Thứ Tư | 28/11/2012 09:24

Ông Vũ Viết Ngoạn: Lãi suất chắc chắn tiếp tục giảm

Theo báo Đầu tư ngày 28/11, những ngày gần đây có thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét cắt giảm thêm lãi suất đầu vào.
Trước đó, cuối tháng 7/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, cuối năm 2012, trần lãi suất huy động có thể giảm xuống 8%.

Liên quan đến việc giảm lãi suất, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lãi suất chắc chắn sẽ phải giảm thêm.

“Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn. NHNN sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định thời điểm giảm. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, phải mở rộng thị trường tiêu thụ và giảm chi phí, tức là phải giảm lãi suất”, ông Ngoạn nói.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định, giảm lãi suất là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Theo TS. Ngân, lãi suất cao là một trong những lý do khiến đầu tư của khu vực tư nhân thấp. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề này, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm và tăng trưởng chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI.

“Năm 2013, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là chống suy giảm. Muốn vậy, phải giảm lãi suất để tăng cung tín dụng cho khu vực dân doanh. Vì nếu khu vực này không tiếp cận được vốn, nền kinh tế sẽ gặp nguy. Tôi cho rằng, lãi suất huy động thời gian tới ở mức 7 - 8%/năm và lãi suất cho vay 11 - 12%/năm là phù hợp. Hạ lãi suất cộng với tăng lương cùng các gói kích cầu (đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm tra các dự án quy hoạch treo…), sẽ giúp tổng cầu của nền kinh tế tăng lên”, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trái ngược với nhận định trên, một số ý kiến cho rằng, lãi suất khó có khả năng giảm thêm, vì nếu giảm thêm, sẽ không huy động được tiền gửi trong dân.

Dù vậy, TS. Vũ Viết Ngoạn vẫn cho rằng, không nên lo lắng về điều này. “Ở nhiều nước trên thế giới, lãi suất huy động chỉ 2 - 3%/năm, nhưng vẫn huy động được tiền gửi trong dân. Quan trọng là, nhìn vào số liệu lịch sử ngành ngân hàng nước ta, trong nhiều năm qua, tiền gửi liên tục tăng (kể cả khi lãi suất huy động chỉ 5 - 7%/năm, lượng tiền huy động từ dân cư vẫn tăng). Ngay cả bây giờ, nếu không gửi tiền vào ngân hàng, thì chúng ta biết gửi tiền vào đâu, làm gì? Hơn nữa, là người dân, chúng ta cũng phải chấp nhận hài hòa mọi lợi ích trong xã hội của cả người gửi tiền lẫn người vay tiền”, ông Ngoạn nói.

Không đồng tình cũng không phản đối việc lãi suất giảm thêm, giám đốc chi nhánh Hà Nội một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Ngân hàng chúng tôi đang thừa tiền, nên có giảm thêm lãi suất, chúng tôi cũng không ngại. Nhưng NHNN phải thực hiện nghiêm không để ngân hàng nào lách lãi suất. Tôi cho rằng, lãi suất như hiện tại không còn là vấn đề lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không muốn vay vốn là do chưa có đầu ra”.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện