Ông Vũ Viết Ngoạn: 2015 có thể là năm bùng nổ M&A ngân hàng
Sau khi năm 2014 kết thúc với không một thương vụ sáp nhập hay hợp nhất ngân hàng nào hoàn tất, những ngày đầu năm 2015 thị trường lại "nóng" bởi những tin tức về kế hoạch hợp nhất, sáp nhập của các ngân hàng.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, năm 2015 có thể sẽ là năm bùng nổ của những thương vụ hợp nhất, sáp nhập của các tổ chức tín dụng.
Từ quan điểm của một người đứng đầu cơ quan tham mưu tài chính cho Chính phủ, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng tái cơ cấu là "một quá trình cần thời gian, gian nan và đau khổ", những năm qua là quá trình chuẩn bị và đặt nền móng cơ bản, đến năm nay điều kiện sẽ thuận lợi hơn để thực hiện việc tái cơ cấu một cách quyết liệt, dứt khoát.
Ông Ngoạn không kỳ vọng nhiều luồng vốn ngoại sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và cho rằng thực lực của Việt Nam có thể tự thực hiện được việc tái cơ cấu bằng cách thức, phương pháp đặc thù riêng, dựa vào đặc thù của nền kinh tế, thể chế cũng như văn hóa.
Chủ tịch NFSC chia sẻ, cách thức mà lâu nay vẫn được khuyến nghị là ngân hàng mạnh có thể giúp các ngân hàng yếu kém, ngân hàng lớn có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngân hàng yếu hơn. Từ bài học thành công mà Việt Nam đã làm được những năm 1990 và 2000, khi hơn 10 ngân hàng đã rút khỏi thị trường, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao thì không có lý do gì mà Việt Nam không thực hiện được việc tái cơ cấu này, ông Ngoạn khẳng định.
Từ việc buộc phải tái cơ cấu do hoạt động yếu kém, đến nay, các ngân hàng đang chuyển sang xu hướng mới là tự tìm đối tác, tự thỏa thuận. Theo ông Vũ Viết Ngoạn,"về mặt chính sách thì chúng ta tạo điều kiện cho các ngân hàng và dành thời gian đầu cho các ngân hàng tự tìm hiểu, tự “kết hôn” với nhau và cho đến lúc không có khả năng kết hôn thì phải tìm tới cơ quan chính sách".
Liệu có diễn ra những "cuộc hôn nhân gượng ép" giữa các ngân hàng? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng khi cần thì phải áp dụng các công cụ, biện pháp cần thiết để đảm bảo các tiêu chí đã đặt ra được thực thi và đó là vì lợi ích chung của quốc gia, hệ thống ngân hàng.
Ở các nước khác, theo ông Ngoạn, tổ chức tín dụng có thể yêu cầu phải phá sản, nhưng ở nước ta, việc sáp nhập cũng là một hình thức để thay đổi một cách căn bản, khắc phục căn bản các định chế tài chính mà không đạt được các yêu cầu. Sáp nhập cũng một phần nào đó là để giải quyết vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng nhưng không phải là công cụ giải quyết triệt để toàn bộ vấn đề này.
Năm 2015 sẽ phải kiên quyết xử lý những yếu kém còn tồn tại về mặt định chế, xử lý những công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng yếu kém để 2016, năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm mới, tạo được bước chuyển mới khác biệt với tốc độ tăng trưởng khá hơn, Chủ tịch NFSC kỳ vọng.
Phó Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước cũng khẳng định, mục đích cuối cùng của tái cơ cấu chính là làm lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng. Các lựa chọn sáp nhập, hợp nhất hay sự tham gia vốn của Nhà nước vào các tổ chức tín dụng chính là những "liều thuốc" khác nhau, và không có "liều thuốc" nào là duy nhất để đạt tới mục đích cuối cùng của tái cơ cấu.
Hiện nay, theo đánh giá của NFSC, các tổ chức tín dụng yếu kém đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2014, các chỉ số đánh giá chung bao gồm huy động vốn, xử lý nợ, thanh khoản, cho vay/huy động đều tăng và tăng cao hơn mức trung bình hệ thống. Hầu hết các ngân hàng đã trả được nợ tái cấp vốn cho NHNN trước đây khi vào thời điểm 2011 còn khó khăn, ông Ngoạn chỉ ra. Tuy nhiên, vẫn còn một, hai ngân hàng gặp khó khăn và cần thêm thời gian để thực hiện tái cơ cấu. Quan trọng là đã ngăn chặn được sự đổ vỡ của các ngân hàng yếu.
Cung tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng cũng tăng rất nhiều so với trước đây, thanh khoản chung của hệ thống cũng tốt hơn. Theo ông Ngoạn, đây là một sự đảo chiều tương đối ngoạn mục khi trước đây tín dụng khó khăn bởi một phần từ khả năng cung tín dụng, trong khi đến nay thì cung đã tốt hơn nhiều và vấn đề chuyển sang phía cầu tín dụng.
Nguồn DVO