Thứ Tư | 05/04/2017 12:09

Ông Văn Đức Mười rời Vissan sau hơn 20 năm gắn bó

Kể từ ngày 7/4, ông Văn Đức Mười sẽ không còn tham gia vào công tác quản trị, điều hành Vissan sau hơn 20 năm gắn bó.

Sáng nay (5/4), CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - mã VSN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Văn Đức Mười và thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Hoàng Thị Kim Phượng. Ông Mười và bà Phượng là hai trong những người đại diện vốn của Tổng Công ty Thương mại - TNHH MTV (SATRA) tại Vissan.

Chia sẻ bên lề Đại hội, ông Văn Đức Mười cho biết nguyên nhân ông không còn tham gia vào điều hành, quản trị Vissan là vì lý do cá nhân. Được biết, ông Mười đã có quá trình hơn 20 năm công tác tại Vissan trên nhiều cương vị khác nhau. Ông lên làm Tổng Giám đốc Vissan từ năm 2010.

Ông Huỳnh Quang Giàu, Kế toán trường Vissan, trúng cử vào thành viên HĐQT, còn ông Lê Quang Liêm và ông Phạm Hoàng Sơn trúng cử vào Ban Kiểm soát Vissan. Ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức trưởng ban Kiểm soát.

HĐQT Vissan cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc An, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Vissan, làm Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời thay thế ông Mười giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vissan từ ngày 7/4/2017.

Ong Van Duc Muoi roi Vissan sau hon 20 nam gan bo
Vissan bổ nhiệm hàng loạt nhân sự mới. Ảnh: Trường Văn

Năm 2016, Vissan đạt doanh thu 3.684 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 148,2 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch. Trong năm qua, doanh nghiệp này đưa ra thị trường hơn 21.000 tấn thịt heo và 1.600 tấn thịt bò, tăng lần lượt 11% và 16% so với kế hoạch, tuy nhiên sản lượng thực phẩm chế biến chỉ đạt 17.255, giảm 17% so với kế hoạch. Giải trình vấn đề này, đại diện Vissan cho rằng các thông tin bất lợi thị trường như tin đồn ăn xúc xích bị ung thư, sự cố ô nhiễm ven biển là nguyên nhân khiến doanh thu nhóm ngành thực phẩm chế biến sụt giảm.

Năm 2017, Vissan đặt kế hoạch doanh thu 4.545 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 156 tỷ đồng, tăng 5%. Tỷ lệ cổ tức chia cho năm 2017 là 7%.

Vissan dự kiến đưa ra thị trường 28.500 tấn thịt heo các loại trong năm nay, tăng 35% so với năm ngoái, sản lượng thịt bò là 2.170 tấn, tăng 35% và 19.760 tấn thực phẩm chế biến, tăng 14,5%.

Theo đại diện Vissan, trong kế hoạch 5 năm, công ty này đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng mảng thực phẩm tươi sống trên 35%/năm để nắm 35-45% thị phần thịt tươi sống. Hiện Vissan đang nắm 8-10% thị phần nhóm thực phẩm này. Còn mục tiêu ngành thực phẩm chế biến cố gắng duy trì tăng trưởng 12%/năm để khôi phục lại thị phần thực phẩm chế biến đã mất dần trong những năm qua.

Theo tờ trình, Vissan sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch đầu tư dự án "di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan" với tổng mức đầu tư 1.587,2 tỷ đồng. Dự án bao gồm cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An (1.307,5 tỷ đồng) và khu văn phòng điều hành, kho trung chuyển tại KCN Tân Tạo (279,7 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu của Vissan (30%) và vốn vay (70%).

Theo Vissan công bố, hiện doanh nghiệp này đang nắm giữ 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần giò chả, 20% thị phần đồ hộp. Công ty cũng đang sở hữu hệ thống phân phối đa dạng với hơn 130.000 điểm bán trên cả nước.

Vissan đã tiến hành IPO vào ngày 7/3/2016 và chính thức giao dịch trên sàn UPCoM ngày 21/10/2016. Cơ cấu cổ đông sau IPO của Vissan gồm có Satra nắm 67,76%, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) nắm 24,94%, các cổ đông khác nắm 7,3%.

Trường Văn