Thứ Năm | 30/10/2014 07:12

Ông Trương Văn Phước: “Chúng ta không vỡ nợ đâu”

Nợ công đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội và nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng lo ngại.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đã có buổi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

- Nợ công đang được đặc biệt quan tâm khi sắp chạm ngưỡng an toàn 65% GDP. Ông bình luận như thế nào?

- Tôi nghĩ vấn đề nợ công đang bị đẩy lên thái quá. Khuôn khổ pháp luật đã cho phép Chính phủ điều hành nợ công với trần là 65% GDP. Tôi ví dụ, cũng giống như trong gia đình, ta cho phép con tiêu 100 nghìn đồng trong ngày hôm nay, mà đến 12h trưa nó đã tiêu hết 100 nghìn đồng. Tại sao chúng ta lại nhắc nhở khiển trách nó, chúng ta không fairplay với đứa con mình.

Còn trong nền tài chính quốc gia, chúng ta đều biết là tất cả các khoản nợ công đó đi qua kênh chuyển tiếp đầu tư công. Kênh đầu tư công đó cùng với đầu tư tư nhân, tiêu dùng, chi tiêu Chính phủ, xuất nhập khẩu ròng,… tạo ra tăng trưởng kinh tế.

GDP tiếp tục tăng trưởng, sang năm dự kiến GDP đạt 208 – 210 tỉ đô la Mỹ, từ mức hơn 180 tỉ đô la Mỹ năm nay. Nhìn vào đó để thấy một phân số, mà mẫu số tiếp tục tăng, tử số tiếp tục được khống chế lại, thì như vậy là thương số đó có phải giảm xuống hay không!

Tôi không cho nợ công là vấn đề gì cả. Chúng ta đừng đưa ra những con ngáo ộp quá lớn. Tôi cho rằng nợ công đưa ra những cảnh báo thì cần thiết thôi nhưng đừng nên nói quá.

- Vấn đề là ở chỗ, cơ cấu chi ngân sách đã trở nên rất xấu, 72% chi thường xuyên, 26% chi trả nợ, tỷ lệ nhỏ còn lại là cho đầu tư. Ông không thấy cơ cấu đó tiềm tàng rủi ro khi vay nhiều nợ à?

- Vấn đề đặt ra là gì? Cơ cấu này đâu phải mới có hôm nay. Các đại biểu Quốc hội ngày hôm nay bằng cách này hay cách khác đã tham gia vào chuỗi thời gian vài ba chục năm để tạo ra cơ cấu đó.Có ai dám hỏi, sao không dùng hết tiền để đầu tư phát triển đi?

Lương vẫn phải tăng, công ăn việc làm vẫn phải tạo ra, và còn hàng triệu người đã đi qua kháng chiến. Ngay cả câu chuyện tượng đài bà mẹ Quảng Nam nhiều người phê bình. Phê bình sao khi máu người ta đổ ra thế. Cho nên nói những vấn đề này phải đặt trong bối cảnh chính trị, xã hội rất cụ thể.

Cho nên quá trình chi của chúng ta là quá trình chi trong điều kiện lịch sử nhất định với những người thương binh bệnh binh, gia đình có công cách mạng. Có ai dám cắt các chi tiêu thường xuyên đó đi không? ... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Không có tiền cũng phải chi cho các đối tượng đó”. Đúng như vậy. Đây là sự đánh đổi, là cái giá phải trả. Đây là vấn đề của nền kinh tế của chúng ta, không như nền kinh tế Thụy Sỹ, hay Thái Lan mấy trăm năm không có chiến tranh.

Tất cả các cơ cấu chi về đầu tư, chi thường xuyên, … là một thực trạng qua bao kỳ Quốc hội, kỳ Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính chứ không phải hôm qua hôm nay, năm ngoái với năm nay.

Tuy nhiên, suy cho cùng, cũng giống như một doanh nghiệp, hay một cá nhân, vấn đề không phải vay nhiều, vay ít, mà vấn đề là đồng vốn vay đó được sử dụng hiệu quả như thế nào. Nếu như tất cả các khoản đầu tư công đầu tư hiệu quả tốt, thì chắc chắn nền kinh tế chúng ta đã phát triển ở tầm cao mới rồi…

Khổ nỗi, vì sao tính hiệu quả trong các đồng vốn không cao như chúng ta mong muốn, thì mới đặt ra vấn đề tái cơ cấu.

Xem đầy đủ trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn TBKTSG


Sự kiện