Thứ Tư | 23/05/2012 15:34

Ông Trương Đình Anh và 4 chiến lược cốt lõi phát triển FPT

FPT hiện có 7 ngành trọng điểm, ông Trương Đình Anh - Tổng giám đốc công ty đã chia sẻ về 4 chiến lược cốt lõi xung quanh 7 ngành này.
7 ngành trọng điểm của FPT gồm viễn thông, nội dung số, phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin, thương mại, bán lẻ và giáo dục. Ông Trương Đình Anh đã chia sẻ về 4 chiến lược cốt lõi phát triển những ngành này.

Quốc tế hóa

Những công ty lớn thường dễ đối mặt với tăng trưởng bão hòa sau một thời gian phát triển nóng. Ông có nghĩ FPT đang trong giai đoạn này và con đường sắp tới của ông là gì?

Quan điểm của tôi là FPT phải đẩy mạnh quốc tế hóa, không chỉ để giải quyết sự bão hòa của thị trường hiện tại, mà còn là một đòi hỏi đối với các công ty đang phát triển. Chẳng hạn, mảng giải pháp công nghệ thông tin của FPT nhiều năm nay chiếm tới trên 50% thị trường và năm 2011 đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đang trở nên chật hẹp, nên nếu muốn tăng trưởng cao, FPT sẽ phải tăng cường xuất ngoại.

Trong khi đó, đối với các mảng như viễn thông, mục tiêu quốc tế hóa là tận dụng những lợi thế mới cho mục tiêu tăng trưởng lớn hơn. Bởi lẽ ở mảng này, Việt Nam có thể sẽ thành một trung tâm của khu vực. Đường cáp các nước dự kiến sẽ đi ngang qua Việt Nam, vì Lào, chẳng hạn, không có biển, cáp quang không đến được, kiểu gì cũng phải đi qua Việt Nam.

Vậy sắp tới ông sẽ ưu tiên quốc tế hóa những mảng nào và những thị trường nào?

Mảng giải pháp công nghệ thông tin sẽ ưu tiên cung cấp dịch vụ sang Lào, Campuchia và FPT sẽ bán giải pháp về quản lý ngân hàng, tài chính chứng khoán, viễn thông cho các nước này. Chúng tôi có thể đi cùng với đối tác đến những nước mà họ đã phát triển được mạng lưới. Tập đoàn cũng đang liên kết với các đối tác như IBM, Hewlett-Packard (Mỹ) để đến Indonesia tham gia đấu thầu các giải pháp chính phủ điện tử. FPT cũng có kế hoạch tiến vào thị trường Trung Đông. Mục tiêu của FPT trong mảng này là tăng tỉ trọng doanh thu bên ngoài Việt Nam lên khoảng 20%.

Đối với mảng viễn thông, Đông Dương là một thị trường tiềm năng. Vì thế, chúng tôi sẽ tiến sâu vào Campuchia bằng cách mua lại một doanh nghiệp viễn thông có giấy phép. Hiện nay, chúng tôi cũng đã cử đoàn khảo sát đến Lào để tìm kiếm những công ty có giấy phép như vậy. Và mục tiêu sau đó là Myanmar.

Đối với mảng phần mềm, chúng tôi vẫn ưu tiên phát triển thị trường gia công phần mềm Nhật, vốn có quy mô 10 tỉ USD/năm. Nếu làm phép so sánh, có thể thấy doanh thu mảng phần mềm khoảng 65 triệu USD (năm 2011) của FPT vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường này.

Ông đánh giá thế nào về năng lực cũng như thuận lợi, hạn chế của một công ty lớn của Việt Nam, đơn cử như FPT, khi đầu tư ra châu Á và thế giới?

Nói về châu Á, trong đó có Đông Dương, đơn cử là Campuchia, chính sách đầu tư liên quan đến một số ngành, chẳng hạn như viễn thông, khá thông thoáng. Tôi nghĩ Campuchia đi sau Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nhưng các quy định về tiếp cận thị trường thì cởi mở hơn chúng ta. Ở Campuchia, FPT có thể sở hữu 100% vốn doanh nghiệp, dễ dàng xin giấy phép và được đối xử một cách bình đẳng. Tuy nhiên, chúng tôi không chọn con đường xin giấy phép mà mua lại những công ty đã có sẵn giấy phép.

FPT đang thành công với thị trường Nhật ở mảng phần mềm. Khi làm phần mềm cho Mỹ, các công ty Việt Nam cũng như Trung Quốc phải cạnh tranh rất gay gắt với nhiều đối thủ có lực lượng nhân viên giỏi ngoại ngữ như Philippines, Iceland, Ấn Độ. Trong những năm đầu tiên, chúng tôi cũng đặt mục tiêu là Mỹ, nhưng cạnh tranh rất khó. Tuy nhiên, FPT vẫn xuất qua Mỹ được 13 triệu USD. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc thêm đối với thị trường này.

M&A

Gần đây, FPT nổi lên nhờ một số hoạt động M&A và có hợp tác với một tờ báo in. Ông sẽ tiếp tục chiến lược này để mở rộng doanh thu từ lĩnh vực quảng cáo, không hẳn chỉ là quảng cáo trực tuyến?

Ở lĩnh vực nội dung số, FPT đang quản lý các tờ báo điện tử như vnexpress.net hay ngoisao.net. Trong khoảng 4 năm gần đây, mảng này luôn đạt mức tăng trưởng hơn 50%, phần lớn nhờ quảng cáo trực tuyến. Song song đó, chúng tôi cũng đang phát triển các mảng nội dung số khác như game và mạng xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2011, FPT đã phát hiện ra tiềm năng trong lĩnh vực báo in, nên đã hợp tác với PC World, hỗ trợ tạp chí này về mảng công nghệ, quản trị và khai thác quảng cáo cũng như tổ chức lại các ấn phẩm chưa hiệu quả. Sau M&A, chúng tôi đã ngưng xuất bản 2 ấn phẩm PC World B và PC World E++, chỉ giữ lại PC World A và Thế Giới Game. Chúng tôi cũng đang thương thảo với các tòa soạn báo tuần, báo tháng để tiếp cận thị trường tiềm năng này.

Vậy mảng nào sắp tới sẽ được FPT ưu tiên M&A?

FPT sẽ tham gia M&A trong các lĩnh vực nội dung số, phần mềm và bán lẻ.

Mở rộng

Gần đây, Tập đoàn đã cho ra mắt FPT Shop, mô hình bán lẻ các thiết bị di động tương tự Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… Có vẻ như FPT đã quyết tâm đầu tư lớn vào cuộc chơi này?

Chúng tôi cần phải nâng cao hình ảnh thương hiệu FPT bằng cách mở rộng thị trường, đặc biệt trong mảng bán lẻ. Chúng tôi nhận thấy những nỗ lực của mình ở mảng này trong nhiều năm qua chưa đạt được thành tựu đáng kể. Vì thế, tháng 12/2011, FPT đã xúc tiến mở rộng chuỗi bán lẻ.

Đến năm 2014, Tập đoàn dự kiến sẽ có một chuỗi gồm 150 cửa hàng trên toàn quốc chuyên kinh doanh các thiết bị công nghệ. Riêng năm nay, chúng tôi sẽ tăng từ khoảng 17 cửa hàng lên 50 cửa hàng. Năm 2011, doanh thu của chuỗi bán lẻ khoảng 700 tỉ đồng. Đến khi đạt tới con số 150 cửa hàng, mức doanh thu này có thể lên đến 5.000-6.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, FPT Telecom còn có thể chuyển giao một số chức năng cho chuỗi bán lẻ này. Ví dụ, ở TPHCM, Hà Nội, FPT Telecom có rất nhiều văn phòng để khách hàng đến trả cước, đăng ký… Sắp tới đây, toàn bộ hoạt động này sẽ chuyển cho cửa hàng của Công ty Bán lẻ FPT (FPT Retail). Hằng tháng có hàng chục ngàn khách hàng đến trả cước và FPT Retail sẽ có thể tiếp thị luôn các sản phẩm mới cũng như thương hiệu của mình.

Ngoài mảng bán lẻ, những mảng nào ông sẽ ưu tiên mở rộng thị trường nội địa?

Chắc chắn sẽ là mảng viễn thông. Mảng viễn thông của FPT đang có trên 600.000 thuê bao đường truyền băng thông rộng tại 39 tỉnh thành và chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng ra khắp cả nước. Hiện nay, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi chiếm khoảng 40% thị trường, tăng trưởng khoảng 40% trong nhiều năm. Ở các tỉnh thành khác, FPT đặt mục tiêu chiếm được 10-15% thị trường và dự kiến trong năm 2012, sẽ mở rộng thêm từ 8-10 tỉnh nữa.

Không chỉ mở rộng thị trường, FPT còn mở rộng cả mô hình kinh doanh nữa. Chẳng hạn như mảng nội dung số. Trong mảng này có dịch vụ game online. Liên quan đến lĩnh vực game ở Việt Nam, do chính sách quản lý, tất cả các công ty ở lĩnh vực này hiện nay đều chuyển hướng nhắm đến kinh doanh mạng xã hội hay dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử. FPT cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đang có một dự án phát triển thương mại điện tử khá lớn. Dịch vụ này sẽ có trên vnexpress.net, ngoisao.net và các hệ thống nội dung số khác của FPT.

Nhân sự

FPT được biết đến là một trong những nhà xuất khẩu phần mềm lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhân lực phần mềm vẫn là vấn đề lớn đối với các công ty nội địa. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này trong trường hợp của FPT?

Mảng phần mềm của FPT đang hướng đến mức doanh thu 100 triệu USD vào năm 2013 với quy mô khoảng 5.000 kỹ sư. Đây là một nỗ lực không nhỏ về nhân lực khi hiện nay chúng tôi chỉ có khoảng 3.000 kỹ sư.

Vì thế, để đáp ứng nhu cầu đào tạo, chúng tôi đã cho xây dựng cơ sở mới của Đại học FPT ở Khu Công nghiệp Hòa Lạc, dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 18-24 tháng tới. Một bộ phận lớn nhân sự của chúng tôi cũng sẽ được chuyển lên đó để chuyên tâm phát triển phần mềm.

Khi FPT mở trường đại học, nhiều người đã đặt dấu hỏi về khả năng kinh doanh khi một công ty làm công nghệ lại lấn sân sang giáo dục?

Trong lĩnh vực đào tạo, lúc nào nhu cầu của thị trường cũng rất lớn. Về thực chất, Đại học FPT luôn giữ mức tăng trưởng tốt trong những năm qua. Chúng tôi mở rộng mảng này là có mục đích. Mục tiêu ban đầu của Trường là cung cấp nguồn nhân lực cho FPT, sau đó là góp phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin của xã hội.

Chiến lược trong thời gian tới đối với mảng giáo dục là gì?

Khối giáo dục FPT hiện có 12.000 sinh viên, trong đó 6.000 sinh viên bậc đại học. Năm 2011 là năm đầu tiên sinh viên Đại học FPT tốt nghiệp. Chúng tôi cũng đang có chiến lược phát triển thêm các cơ sở để mở rộng quy mô đào tạo. Cơ sở tại Hòa Lạc sẽ đón sinh viên từ tháng 5/2012. Tương tự, chúng tôi sẽ xây thêm 1 cơ sở nữa ở TP.HCM. Hy vọng từ nay đến năm 2014, chúng tôi sẽ có 20.000-25.000 sinh viên.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư


Sự kiện