Thứ Ba | 19/02/2013 11:08

Ông Trần Thanh Tân: Nếu VF1 chuyển thành quỹ mở, thị trường sẽ bớt áp lực thanh lý quỹ

Nếu đóng quỹ đúng lộ trình vào tháng 4-5/2014 thì VF1 phải tiến hành thanh lý quỹ và chuyển sang tiền mặt trước ngày 31/12/2013.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM), đơn vị hiện đang quản lý 3 quỹ niêm yết trên sàn HSX là VFA, VF1, VF4 đã có cuộc trao đổi về hoạt động của các quỹ do công ty VFM quản lý.

Ông có thể cho biết tiến trình chuyển đổi quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA) từ quỹ đóng sang quỹ mở đang ở giai đoạn nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Tân: Về cơ bản Quỹ đầu tư VFA đã nộp toàn bộ hồ sơ về việc chuyển đổi lên UBCKNN và đang chờ giấy phép chuyển đổi từ UBCK. Theo thông báo, chứng chỉ quỹ VFMVFA sẽ hủy niêm yết vào giữa tháng 3/2013 để chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở.

Hiện nay, danh mục đầu tư của VFA đã chủ động chuyển 100% thành tiền mặt để tránh việc biến động NAV trong quá trình chờ giấy phép. Dự kiến, Quỹ VFA sẽ giao dịch theo cơ chế quỹ mở vào trung tuần tháng 4/2013.

Nhà đầu tư có thể thực hiện đăng ký giao dịch mua/bán tại các đại lý phân phối chỉ định của Quỹ với mức giá theo giá trị tài sản ròng.

Theo lộ trình năm 2014 sẽ là thời điểm quỹ VFMVF1 hết thời hạn hoạt động, vậy định hướng tiếp theo cho VF1 là gì thưa ông?

Đối với Quỹ VF1, nếu VF1 đóng quỹ đúng lộ trình vào cuối Quý II/2014 thì chúng tôi phải tiến hành thanh lý quỹ và chuyển phần lớn danh mục sang tiền mặt trước ngày 31/12/2013.

Tuy nhiên, khi trao đổi với một số nhà đầu tư lớn, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 49% vốn, họ nhận xét rằng danh mục đầu tư của Quỹ VF1 gồm rất nhiều cổ phiếu tốt trên thị trường và nếu bắt buộc phải thanh lý quỹ sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong tình hình thị trường hiện nay.

Trong cuộc họp gần nhất, Ban đại diện Quỹ đã thống nhất xem xét chủ trương chuyển đổi Quỹ VF1 sang quỹ mở và yêu cầu công ty VFM chuẩn bị phương án thực hiện để trình bày trước Đại hội nhà đầu tư sắp tới. Nếu Đại hội nhà đầu tư thông qua, việc thực hiện chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở của VF1 sẽ rất nhanh trong năm 2013 vì chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi cho Quỹ VFA.

Có bao nhiêu phần trăm nhà đầu tư sẽ đồng ý duy trì khoản đầu tư của mình khi VF1 chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở (nếu có) thưa ông?

Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi ở thời điểm hiện tại thì có ít nhất 50% nhà đầu tư sẽ đồng ý duy trì khoản đầu tư của mình vào quỹ mở và tiếp tục đầu tư thêm sau khi quỹ chuyển đổi. Đối với các nhà đầu tư không muốn tiếp tục đầu tư vào Quỹ thì họ có thể tiến hành đề nghị quỹ mua lại (redeem) theo giá trị NAV sau khi Quỹ có giấy phép chuyển đổi.

Tôi hy vọng đa số nhà đầu tư ủng hộ việc chuyển đổi, và được UBCKNN đồng ý cấp phép, việc này vừa tốt cho cả nhà đầu tư muốn rút vốn và nhà đầu tư muốn tiếp tục đầu tư.

Bởi đối với nhà đầu tư muốn rút tiền, thay vì phải chờ đến giữa năm 2014, họ có thể tiến hành rút tiền trước cuối năm 2013 nếu hồ sơ thuận lợi, còn đối với các nhà đầu tư không muốn rút tiền (phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài) thì họ tiếp tục duy trì các khoản đầu tư của mình tại Quỹ VF1 dưới hình thức quỹ mở.

Vậy VF1 sẽ chuẩn bị tiền mặt cho các nhà đầu tư muốn rút tiền như thế nào?

Để thực hiện việc này, VF1 sẽ khảo sát nhu cầu đầu tư cũng như rút vốn của các nhà đầu tư. Quỹ sẽ chủ động thanh lý một phần danh mục để duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức hợp lý đảm bảo nhu cầu rút vốn của nhà đầu tư.

Phương án chuyển đổi sẽ giúp việc thanh lý hợp lý hơn so với việc quỹ phải bán toàn bộ danh mục tài sản với bất kỳ giá nào để đóng quỹ vì trên thực tế, với khối tài sản trên 1.000 tỷ đồng như VF1 nếu bán bằng bất kỳ giá nào sẽ tạo sức ép lên thị trường cũng như gây thiệt hại cho quỹ.

Nếu có thời gian chuẩn bị và có lộ trình trước, việc đảm bảo tỉ lệ tiền mặt giúp nhà đầu tư dễ dàng rút vốn cũng như việc cơ cấu danh mục cho hoạt động của quỹ mở trong tương lai sẽ được thực hiện tốt hơn.

Khi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy quan điểm của họ về thị trường Việt Nam như thế nào?

Có một số nhà đầu tư vẫn còn e ngại, nhưng đa số các nhà đầu tư không ngạc nhiên với những khó khăn của thị trường Việt Nam hiện nay.

Khi chúng ta chi tiêu quá nhiều trong các năm trước để đánh đổi tăng trưởng của nền kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát, mất cân đối chính sách tài khóa ở các năm tiếp theo. Các nhà đầu tư đều thấy đây là điều bình thường đặc biệt ở các quốc gia châu Á, vấn đề chính là họ sốt ruột muốn biết hướng giải quyết các vấn đề này ở Việt Nam như thế nào.

Và thực tế hiện tại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang hài lòng với những gì đang diễn ra hiện nay với những chính sách vĩ mô hỗ trợ nền kinh tế, công tác cán bộ, quản lý DN nhà nước, phương án xử lý nợ xấu, hỗ trợ tín dụng… và phần lớn nhà đầu tư cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Việt Nam đã trải qua một thời gian dài khó khăn, chúng ta hi vọng các chính sách hỗ trợ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Riêng quan điểm của tôi, thị trường chứng khoán tăng trưởng chậm mà chắc thì vẫn tốt hơn.

Với những gì đang diễn ra, bản thân nội tại nền kinh tế, không những Việt Nam, tại Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ nhiều người có quyền hy vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2013.

Nguồn CafeF


Sự kiện