Ông Trần Hoàng Ngân: Mầm mống của lạm phát phi tiền tệ còn rất lớn
Trong buổi làm việc với các chuyên gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo lãi suất giảm thêm thời gian tới. Theo ông, điều này có khả thi?
Năm 2013, chính sách tiền tệ phải phục vụ đa mục tiêu: vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng chính sách tiền tệ cực kỳ linh hoạt để đạt mục tiêu này. Có nghĩa, điều hành lãi suất cũng phải đi theo hướng giảm để hỗ trợ tăng trưởng, song phải sát với tình hình lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng tới 1,25%, mà nguyên nhân không phải từ chính sách tiền tệ. Điều này phản ánh đặc trưng của lạm phát nước ta: không chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tiền tệ, mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố phi tiền tệ, đặc biệt là yếu tố quản lý giá, hệ thống phân phối yếu, gây tình trạng bị làm giá như trường hợp trứng gà vừa qua.
Hiện những mầm mống lạm phát phi tiền tệ vẫn còn rất lớn, nhất là trong quá trình điều hành giá, điều chỉnh nhiều mặt hàng đưa về giá thị trường như: giá dịch vụ y tế, điện, nước, xăng dầu…
Ngoài ra, chính sách lãi suất ở nước ta còn có nhược điểm là rất ngắn hạn. Ở các nước, trong điều kiện kinh tế suy giảm, ngân hàng trung ương sẽ đưa lãi suất xuống thấp, đồng thời đưa ra thông điệp lãi suất thấp trong thời gian rất dài (trung và dài hạn) để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch kinh doanh.
Tất nhiên, ở nước ta, lạm phát cũng gây khó khăn cho điều hành chính sách lãi suất, đặc biệt là lạm phát do yếu tố phi tiền tệ.
Dù các ngân hàng đã thực hiện giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, song dòng vốn đến nay vẫn chưa luân chuyển được. Tại sao vậy, thưa ông?
Như trên đã nói, một trong những mục tiêu của chính sách tiền tệ năm 2013 là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Do đó, để tín dụng khơi thông, trước hết phải xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, không để tín dụng tăng thấp kỷ lục như năm 2012. Với những giải pháp này, tôi cho rằng, tín dụng hoàn toàn có thể tăng trưởng tốt hơn trong năm 2013.
Ông có cho rằng, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) sẽ giải quyết thành công nợ xấu?
Việc xử lý nợ xấu trước hết phải là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng phải tập trung tái cơ cấu và sử dụng quỹ trích lập dự phòng rủi ro để xử lý ngay các khoản nợ xấu của mình.
Theo tôi, cần phải nhanh chóng thành lập VAMC để tập trung nợ xấu lại một đầu mối để xử lý. Dĩ nhiên, việc xử lý nợ xấu không thể diễn ra trong một sớm, một chiều, nhưng thành lập VAMC sẽ rất cần thiết để “bao” nợ xấu lại, không để nó lây lan.
Trước mắt, các khoản nợ xấu có thể không bán ngay được, nhưng ít nhất, VAMC sẽ ứng trước một khoản vốn để trả cho món nợ xấu đó, giúp ngân hàng có thêm vốn để cho vay, doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng mới.
Sự xuất hiện của VAMC cũng hoàn toàn không gây ra lạm phát như nhiều người lo ngại, bởi NHNN không bơm tiền cho tiêu dùng, mà chỉ mua nợ thông qua trái phiếu.
Chỉ tiêu cung tiền đã được NHNN hạn chế trong định hướng tăng trưởng tín dụng 12%, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, nên việc mua lại các khoản nợ xấu không ảnh hưởng đến lạm phát.
Nguồn Báo Đầu tư