Thứ Năm | 07/02/2013 13:54

Ông Trần Hoàng Ngân: 2 nghị quyết của Chính phủ hướng vào điểm nghẽn của nền kinh tế

Những giải pháp trong 2 Nghị quyết của Chính phủ nếu triển khai đồng bộ, quyết liệt sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Đây là nhận định của PGS. TS Trần Hoàng Ngân trong bài viết của ông đăng tải trên Chinhphu.vn hôm nay (7/2).

Đặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới khó khăn và phức tạp, mới thấy hết những thành quả kinh tế - xã hội nước ta trong những năm qua là không nhỏ và “cơ địa” dẻo dai, bền bỉ của các doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy chưa vững chắc nhưng tạo được niềm tin

Kể từ năm 2008 đến nay, kinh tế thế giới đã bước qua năm thứ 5 của khủng hoảng tài chính và suy thoái. Tuy năm 2010 kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng 2 năm liên tiếp sau đó (2011, 2012) lại rơi vào suy giảm kép.

Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 với độ mở kinh tế lớn nên những tác động bất lợi của kinh tế thế giới đến nền kinh tế trong nước cũng là rất lớn.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2012 kinh tế nước ta cũng đạt được những kết quả nhất định, kinh tế vĩ mô bước đầu ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp hơn năm 2011. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (ước khoảng 10 tỷ USD), dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể so với đầu năm, tỷ giá ổn định, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng sau 20 năm xuất siêu.

Tuy điều này chưa vững chắc nhưng tạo được niềm tin ở giải pháp vừa qua của Chính phủ, thu hút FDI ổn định, giải ngân ODA vẫn đạt kết quả tốt, bội chi ngân sách ở mức Quốc hội phê duyệt (bằng 4,8% GDP), đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu nhiều. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng khoảng 5% so với năm 2011, mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua và là năm thứ 2 liên tiếp suy giảm. Đời sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn…

Vì vậy để đạt được mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần có nhóm giải pháp ngắn hạn, trước mắt để giải quyết nhanh những điểm nghẽn, những nút thắt trong nền kinh tế, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho, để dòng tiền đến nơi cần vốn sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết nợ xấu và tạo công ăn việc làm.

Đồng thời cũng cần có nhóm giải pháp dài hạn và liên tục để tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động. Qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, không ngừng nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân.

Giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Ngày 7/1/2013 vừa qua Chính phủ đã ban hành hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Các giải pháp trong Nghị quyết rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Có cả những giải pháp cấp bách trước mắt và những giải pháp lâu dài, căn cơ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, thị trường tài chính Việt Nam.

Các giải pháp nêu trong 2 Nghị quyết là có hệ thống, đồng bộ, liên quan đến việc giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay như: xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế…

Và những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà (lãi suất thấp, thời hạn dài), rà soát, điều chỉnh dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã dành một phần quan trọng nêu lên 5 nhóm giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó giải pháp chính sách tài khóa được thể hiện theo hướng chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tăng cường giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm đến giải pháp tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường. Đây là giải pháp rất quan trọng đối với việc kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.

Những giải pháp trong 2 Nghị quyết nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao và đồng thuận, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu hiệu quả, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã thông qua, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện