Thứ Hai | 18/02/2013 10:17

Ông Quách Mạnh Hào: MBS đặt mục tiêu thị phần 2013 khoảng 6-8%

Theo Phó Tổng giám đốc MBS, nợ xấu chứng khoán rất khó giải quyết nhưng các tài sản dịch vụ tài chính của MBS là những công ty có cơ bản tốt.
Ông Quách Mạnh Hào - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) về quá trình vượt qua khó khăn của MBS trong thời gian qua và định hướng của công ty trong các năm tới.

Đầu năm 2012 khi MBS (lúc đó đang là TLS) thay đổi bộ máy nhân sự, thị trường hoang mang và đồn đoán TLS sẽ phá sản, ở vị trí lãnh đạo của TLS lúc bấy giờ anh cảm thấy thế nào?

Khi nghe những thông tin như vậy tôi cảm thấy chạnh lòng. Việc công ty bị lỗ là vấn đề có thật và nó phát sinh từ danh mục đầu tư và những hoạt động dịch vụ tài chính bị giảm giá do thị trường sụt giảm và điều này dẫn đến việc công ty phải trích lập dự phòng lớn. Đó là rủi ro về mặt đầu tư và thị trường.

TLS trước đây đã có những quyết định rủi ro, đó là mô hình kinh doanh và chúng tôi phải chấp nhận sự thật đó. Nhưng đúng là nếu chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn thì mọi việc đã không tồi như vậy. Nghĩ lại thời gian đó, tôi vẫn cảm thấy đáng tiếc vì thực sự việc quản trị rủi ro đã gần như không được chú trọng.

Rất may là ngân hàng mẹ MB đã hiểu đó là rủi ro mang tính chất thị trường và nhìn thấy những điểm yếu cơ bản của quá trình quản trị để hỗ trợ kịp thời. Ngân hàng MB đã hỗ trợ về mặt tài chính, nhân sự và xây dựng lại hệ thống quản trị rủi ro cho MBS, sau 6 tháng mọi thứ của MBS đi vào bình thường, và có thể nói những vấn đề liên quan đến phá sản của MBS là điều rất viển vông.

Ở thời điểm hiện tại, tất nhiên những khó khăn của công ty vẫn còn rất nhiều vì công ty có khoản lỗ lũy kế lớn, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để cover lại và việc cover này lại phụ thuộc vào thị trường.

Điều quan trọng nhất MBS học ra được là kinh doanh rủi ro nhưng không được liều, vì rủi ro đi liền với cơ hội - mặc dù chúng ta sẵn sàng kinh doanh nó nhưng chúng ta phải có hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bây giờ mọi thứ đã ổn và chúng tôi đang xây dựng lại hệ thống vững chắc hơn.

Ông có cho rằng định hướng của TLS trước kia và MBS hiện tại đang đi hai hướng khác không? Trước đây TLS đẩy mạnh phát triển mảng môi giới, thị phần đứng đầu hai sàn, còn hiện tại MBS chú trọng mảng ngân hàng đầu tư (IB)?

Khi các công ty gặp khó khăn thì các khách hàng đánh giá họ sẽ ở lại hay không. Với đặc thù của MBS là các khách hàng cá nhân chiếm số đông nên khi thị trường yếu thì các nhà đầu tư cá nhân không tham gia, thị phần của MBS giảm do khách hàng cá nhân giảm.

Tuy nhiên năm 2012 lại là một năm tốt với các khách hàng của MBS vì họ không tham khi thị trường xấu nhưng họ tham gia bắt đáy cổ phiếu vào cuối năm, trong quý cuối cùng năm 2012 thị phần của MBS đang tốt lên và điều này được giải thích bởi 2 thứ: Một là do việc cấu trúc lại của MBS đã tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư về sự ổn định về mặt tổ chức - đặc biệt là dịch vụ sản phẩm tài chính, ổn định và được khách hàng đánh giá cao, thứ 2 là đội ngũ tư vấn của MBS tương đối nhanh nhạy trên thị trường.

Năm 2013 MBS phấn đấu mục tiêu thị phần rơi vào khoảng 6-8%.

MBS chưa bao giờ lo lắng về thị phần, nếu mình có một thị phần tốt trong điều kiện chưa ổn định thì sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng, khi mình sẵn sàng thì đây là lúc MBS đẩy mạnh khuyếch trương.

MBS đã xây dựng đội ngũ chiến lược thị trường để chuyên phục vụ nhà đầu tư tùy theo khẩu vị rủi ro phù hợp với từng người, tạo ra cái sinh lời tốt nhất cho khách hàng. Những gì đối thủ cạnh tranh đang cung cấp về mặt dịch vụ thì MBS có, ngoài ra chúng tôi tạo ra sự khác biệt về mặt tư vấn.

Chúng tôi đang nỗ lực để xây dựng một MBS hoạt động sinh lời vững chắc trên hai mảng chủ đạo là môi giới dựa trên tư vấn chuyên biệt và dịch vụ ngân hàng đầu tư. Về môi giới, chúng tôi đang xây dựng và sẽ giới thiệu các chiến lược đầu tư và quản lý đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân, còn về dịch vụ IB, ngoài các sản phẩm truyền thống, chúng tôi đang nghiên cứu để giới thiệu sản phẩm tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp một cách bài bản.

Ông có thể chia sẻ về nợ xấu tại MBS không?

Nợ xấu chứng khoán rất khó giải quyết, vấn đề liên quan đến nợ xấu là do cổ phiếu của nhà đầu tư thế chấp để vay, khi thị trường bùng nổ những tài sản thế chấp được định giá cao, nhưng khi thị trưởng rơi thì giá trị tài sản theo giá thị trường giảm xuống, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thị trường.

Khi thị trường tốt lên nợ xấu tại các công ty chứng khoán sẽ được giài quyết tương đối, điểm mừng cho MBS là các tài sản dịch vụ tài chính không phải những công ty tồi mà là những công ty có cơ bản tốt nên không ngại.

Hiện nay cạnh tranh các công ty chứng khoán rất khốc liệt, ông có cho rằng trừ công ty chứng khoán chống lưng bởi ngân hàng mẹ, các công ty chứng khoán không có sự chống lưng rất dễ ra đi?

Việc gắn công ty chứng khoán với ngân hàng mẹ thực ra nói về tiềm lực tài chính của mỗi công ty. Đó là điều quan trọng, trong điều kiện thị trường như hiện nay và thị trường khác cũng vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư rất lớn.

Các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính tốt được NĐT đón nhận do không có rủi ro về thanh khoản và đáng tin cậy để mở tài khoản giao dịch để làm việc cùng. Từ tiềm lực tài chính đó gắn với những công ty liên hệ với ngân hàng điều đó là bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên theo tôi những công ty không nằm ngân hàng nhưng họ có tiềm lực tài chính tốt thì họ vẫn được đón nhận.

Nguồn CafeF


Sự kiện