Thứ Hai | 13/08/2012 11:02

Ông Phạm Hồng Sơn: "Công ty chứng khoán phải có ủy ban quản lý rủi ro"

Đây là điểm quan trọng nhất trong quy chế hướng dẫn CTCK thực hiện quản lý rủi ro, sắp được UBCK trình Bộ Tài chính ban hành trong năm nay.
Thời gian gần đây, hàng loạt những vụ việc sai phạm dẫn đến bị khởi tố hình sự của lãnh đạo các công ty chứng khoán khiến nhiều người nghi ngờ về quy trình quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán. VnEconomy ngày 13/8 đăng bài phỏng vấn với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước về vấn đề này.

Theo ông Sơn, hiện nay nhiều công ty chứng khoán đã tập trung chú ý vào công tác quản trị công ty, cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ. Tại nhiều công ty chứng khoán lớn, quản trị công ty được xây dựng rất bài bản, trong đó quy trình kiểm soát rủi ro cũng được đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Song bên cạnh đó, cũng còn không ít công ty chỉ xây dựng cho có, cho đủ, còn việc thực thi và tuân thủ các quy định đó chưa nghiêm túc.

Ông Sơn cho biết, để tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính như công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự thảo sửa đổi một loạt các văn bản theo hướng tăng cường các quy định về chế tài xử lý để thắt chặt hơn vấn đề an toàn tài chính, quy định rủi ro.

Đồng thời, một quy chế hướng dẫn công ty chứng khoán một cách chi tiết việc thực hiện quản lý rủi ro, cũng chuẩn bị trình Bộ Tài chính để ban hành trong năm nay. Điểm quan trọng nhất của quy chế là công ty chứng khoán phải có ủy ban quản lý rủi ro.

Cụ thể, công ty chứng khoán thiết lập tiểu ban xử lý rủi ro trực thuộc hội đồng quản trị; thành viên tiểu ban này ít nhất bao gồm các thành viên như một thành viên hội đồng quản trị điều hành, tổng giám đốc, trưởng phòng quản lý rủi ro, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ; chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro phải là thành viên hội đồng quản trị điều hành.

Hội đồng quản trị với vai trò chịu trách nhiệm cao nhất đối với hoạt động quản lý rủi ro, sẽ phải xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro thích hợp cho công ty, gồm: quy trình hoạt động, văn hóa quản lý rủi ro, kế hoạch phân bổ vốn cần thiết để triển khai hệ thống quản lý rủi ro. Hội đồng quản trị không chỉ quan tâm đến rủi ro đối với từng nghiệp vụ kinh doanh mà phải quan tâm đến rủi ro tổng hợp của công ty. Đồng thời, hội đồng quản trị cũng cần phải tính đến quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định liên quan khác trong việc lên kế hoạch phân bổ vốn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán, những điểm sửa đổi và bổ sung được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 226 theo hướng mở rộng, chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn và đối tượng bị chế tài xử lý cũng sẽ được mở rộng hơn.

Ngoài các trường hợp vi phạm quy định bị xếp vào diện bị kiểm soát đặc biệt, cơ quan quản lý cũng sẽ đưa ra thêm 2 trường hợp khác vào diện kiểm soát đặc biệt như: các công ty chứng khoán không nộp báo cáo tài chính, báo cáo không đúng hạn; báo cáo vốn khả dụng có ngoại trừ trọng yếu, công ty không giải trình được.

Thời gian kiểm soát đặc biệt sẽ được rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay. Cơ quan quản lý sẽ công bố công khai danh sách công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt và kiểm soát (nhóm 2 và 3), thay vì chỉ công bố danh sách bị kiểm soát đặc biệt như hiện nay.

Cùng với đó, Nghị định thay thế Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính cũng đưa một số chế tài mạnh mẽ như công ty chứng khoán không nộp báo cáo thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện