Ông Obama thăm Việt Nam và chuyện khởi nghiệp
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nhân trẻ khởi nghiệp (startup) Việt tại Dreamplex. Ông Obama khẳng định thông qua các chương trình hợp tác và đầu tư, Mỹ sẽ góp phần hỗ trợ về vốn, giáo dục, kỹ năng, mạng lưới kết nối… cho cộng đồng doanh nhân Việt, đặc biệt là doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Trước đó, Chính phủ cũng đã thông qua đề án về hỗ trợ khởi nghiệp.
Giới khởi nghiệp đánh giá những sự kiện trên đem lại khá nhiều kỳ vọng cho cộng đồng này. Nhưng để tinh thần khởi nghiệp đi vào cuộc sống đòi hỏi phải kèm theo nhiều giải pháp như hệ thống khởi nghiệp dễ dàng, có các chính sách tốt về thuế, hạ tầng... từ Chính phủ.
Tự thân vận động là chính
Doanh nhân trẻ Nguyễn Đình Nam, Tổng Giám đốc Công ty VP9, là người từng kiến nghị Chính phủ biến Việt Nam thành trung tâm Internet của khu vực. Kiến nghị ấy của Nam một phần bắt nguồn từ việc gặp không ít khó khăn, rào cản… để khởi nghiệp và tạo ra Công ty VP9 - một doanh nghiệp có mục đích thương mại hóa những công trình khoa học cơ bản nghiên cứu về nén dữ liệu. Hiện VP9 đang tạo ra những sản phẩm mà Nam gọi là “Internet vạn vật”.
Kể với chúng tôi về đoạn trường khởi nghiệp, Nam nói việc đầu tiên của khởi nghiệp là góp vốn để lập công ty nhưng việc này rất khó khăn. “Luật cho phép góp vốn doanh nghiệp bằng sở hữu trí tuệ. Nhưng các cơ quan chức năng lại không công nhận sở hữu trí tuệ, ý tưởng là vốn vì sợ khó thu thuế. Trí tuệ chưa được coi là vốn khi khởi sự doanh nghiệp đang là rào cản rất lớn” - Nam nhận xét.
Ngoài ra, Internet vốn là lĩnh vực được sử dụng trong khởi nghiệp khá nhiều nhưng đang tồn tại quá nhiều giấy phép con. Đơn cử muốn lập website cũng phải xin phép theo tư duy tiền kiểm chứ không phải là hậu kiểm theo cung cách của các nước khác. “Trong hàng ngàn website, dĩ nhiên sẽ có những website không tốt nhưng tư duy kiểu “một người đau bắt cả làng uống thuốc” đã sinh ra nhiều giấy phép con và rào cản pháp lý cho khởi nghiệp” - Nam nói.
Muốn vay vốn cho khởi nghiệp cũng không đơn giản. Nam dẫn chứng công ty của mình đã nộp hồ sơ vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (FIRST) ba năm nay nhưng hồ sơ vẫn chưa được duyệt. Trong khi khởi nghiệp thì không thể chờ đợi ba năm như vậy. “Nhiều bạn trẻ phải đi khởi nghiệp hoặc thành lập các công ty vỏ bọc ở nước ngoài cũng do những rào cản trên” - Nam kết luận.
Nhiều công ty khởi nghiệp khác cũng gặp phải những rào cản tương tự. Chẳng hạn bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập Trường Ngoại khóa Tomato - mô hình trường ngoại khóa chuyên sâu dành cho trẻ em ở Việt Nam - nhận định thuận lợi khi khởi nghiệp ở nước ta là nền kinh tế đang phát triển, có nhiều cơ hội cho khởi nghiệp ngay cả với người ít vốn.
Tuy vậy, khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam là phải tự thân vận động, không được các cơ quan nhà nước, các hiệp hội hỗ trợ nhiều. Không chỉ vậy còn phải đáp ứng nhiều thủ tục hành chính phức tạp. “Bản thân đơn vị chúng tôi lựa chọn mô hình giáo dục mới, khi đi đăng ký ngành nghề cũng rất khó khăn, cuối cùng được xếp vào ngành giáo dục khác vì chưa biết phân vào đâu. Thế nên các công ty khởi nghiệp phải tự lập ra cộng đồng khởi nghiệp để trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau” - bà Uyên Phương chia sẻ.
Tín hiệu tích cực
Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý như xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích sử dụng quỹ của các cơ quan để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp…
Là người đã từng góp ý vào đề án này, Tổng Giám đốc Công ty VP9 Nguyễn Đình Nam cho rằng đó là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc thực thi chương trình này thế nào để đem lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng khởi nghiệp mới là điều quan trọng. “Cộng đồng khởi nghiệp đang chờ hiện thực hóa nhanh những sự hỗ trợ trên của Nhà nước” - Nam bày tỏ nguyện vọng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp vượt qua khó khăn, phát huy được tiềm năng, gần đây Chính phủ đã có nhiều chính sách. Đặc biệt, tại dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ KH&ĐT đề xuất những chính sách khuyến khích, ưu đãi hoạt động đầu tư mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp. Trong đó tập trung vào những trọng điểm như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, ưu đãi thuế...
“Mục tiêu của những giải pháp này là để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để công ty khởi nghiệp tập trung phát triển sản phẩm, có thể tiếp cận dễ dàng hơn dòng vốn trong khu vực tư nhân để phát triển nhanh hơn, hiệu quả và bền vững” - ông Đông nhấn mạnh.
Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Không gian khởi nghiệp Dreamplex - nơi vừa diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với cộng đồng khởi nghiệp - hình thành nhằm tạo một không gian làm việc sáng tạo, cởi mở nhằm kết nối các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như các nước. Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Thủy Group, sáng lập Dreamplex nhận định sự kiện Tổng thống Obama gặp gỡ các startup đã để lại khá nhiều dấu ấn với ông và cộng đồng khởi nghiệp. Ông Tín nhận định: “Người Việt rất giỏi tạo ra những sáng chế như có nông dân thiết kế được máy bay, tàu ngầm, máy cày... Do vậy, Dreamplex muốn trở thành nơi khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp để những ý tưởng biến thành hiện thực”. Thủ tục phức tạp Hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ngoài khá đầy đủ, nhất là Mỹ. Ví dụ, nếu có thắc mắc về thuế, thủ tục thành lập công ty, tiếp cận nguồn vốn… thì sẽ được các cơ quan quản lý giải thích, hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và thủ tục nhanh gọn. Trong khi đó, ở Việt Nam, công ty khởi nghiệp phải tự mình mày mò, tự tìm nguồn vốn, tự kiếm khách hàng và phải đáp ứng nhiều thủ tục hành chính phức tạp. Bà NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG, |
Nguồn PLO