Thứ Hai | 20/05/2013 12:02

Ông Nguyễn Văn Giàu: Đề án tái cấu trúc vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực

Theo ông Giàu, do đó cần sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế và phân cấp quản lý kinh tế.
Sáng nay, 20/5, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Về tái đầu tư công: Đề án tái đầu tư công thực hiện còn chưa toàn diện, mới chỉ dừng ở tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và phát hành trái phiếu Chính phủ. Thêm vào đó, luật đầu tư công còn chậm trình Quốc Hội, dự kiến là trình vào kỳ họp thứ IV nhưng lên đến kỳ họp thứ VI.

Nhiều kiến nghị đưa ra về việc rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương; đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của dự án đầu tư sau khi rà soát; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại ngành nghề lĩnh vực hoặc theo nhóm để có những giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm; mà thực hiện từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty giữa các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước chưa ban hành hệ thống chính sách tái cơ cấu trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty NN phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vì vậy, quá trình tái cấu trúc chưa tạo ra được động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ , ứng dụng KHKT, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và sự phát triển bền vững.

Về tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Mặc dù các ngân hàng triển khai tái cơ cấu tín dụng bước đầu đã có hiệu quả, nhưng cần minh bạch thông tin hơn đối với cả ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động tốt và NHTM yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội.

Bên cạnh đó, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty NN phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Việc xử lý nợ xấu cần tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gởi cho người gửi tiền. Rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các TCTD, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống TCTD và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các TCTD đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo nguồn tự xử lý nợ xấu phát sinh.

Về điều hành thị trường vàng: Nhiều ý kiến khác nhau do thông tin thiếu nhất quán, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa đảm bảo giá sát với thế giới như nghị quyết Quốc hội.

Ngoài những kiến nghị và đề xuất ở trên và những giải pháp đã nêu trên cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Triển khai nhanh Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, có các phương án tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với doanh nghiệp.

Về điều chỉnh chính sách thu NSNN: Cần thận trọng, tránh giảm thu quá lớn; đồng thời cần đánh giá lại cơ cấu thu NSNN. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt của nhân dân,đồng thời có biện pháp chế tài xử lý người đứng đầu khi vi phạm.

Không ban hành chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách. Hạn chế tối đa việc ứng vốn đầu tư; các công trình, dự án vốn không hoàn trả trong năm phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Kiểm soát chặt chẽ chi dự phòng và các khoản chuyển nguồn.

Về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế: cần tiếp tục thực hiện và phát triển các mục tiêu đã đề ra, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện