Thứ Hai | 20/05/2013 12:21

Ông Nguyễn Văn Giàu: Áp lực lạm phát sẽ tăng khi sản xuất phục hồi

Các chính sách nới lỏng tiền tệ được Nhà nước áp dụng, kinh tế được dự báo sẽ tăng, song áp lực lạm phát gia tăng khi sản xuất được phục hồi.
Sáng nay, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế củaQuốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kếtquả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khaithực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Theo báo cáo, năm 2012, mặc dù chỉ tiêu về tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 5,03%, thấp hơn mục tiêu điều chỉnh là 5,2%, mục tiêu đề ra cuối năm 2011 là 6-6,5%. Tuy nhiên, đây là mức tăng hợp lý vì xét trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến bất thường, đầu tư công sụt giảm mạnh thì kết quả này đã là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, lạm phát trung bình cả năm là 9,21%.

Khu vực sản xuất chứng kiến cải thiện nhẹ trong sản xuất và tiêu thụ, trong đó, chỉ số tồn kho cuối năm ở mức 120,1. Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất tăng 6,9%. Sản xuất doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tính riêng tại Hà Nội có khoảng 4000 doanh nghiệp báo lỗ 47 nghìn tỷ đồng.

Chi tiêu ngân sách đạt 904 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP. Tuy nhiên, thu ngân sách chỉ đạt 741,5 nghìn tỷ đồng. Thâm hụt ngân sách cả năm lên khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP.

Tổng đầu tư toàn xã hội năm 2012 đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% GDP. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 284 triệu USD, là năm có thặng dư đầu tiên kể từ năm 1993. Cán cân vãng lai thặng dư khoảng 600 triệu USD. Xuất khẩu cả năm 2012 đạt 18,3% so với kim ngạch đạt trên 114,6 tỷ USD. Nhập khẩu tăng chậm, với tổng kim ngạch đạt trên 114,3 tỷ USD, tăng trưởng năm 2012 ước đạt 7,1%, thấp hơn mức tăng 25,8% năm 2011.

Đánh giá về tình hình thực hiện các tháng đầu năm 2013

Theo ông Giàu, những tháng đầu năm kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó chủ yếu là khó khăn trong phục hồi tăng trưởng. Các chính sách nới lỏng tiền tệ cũng được Nhà nước áp dụng, bên cạnh đó, kinh tế được dự báo sẽ tăng, tuy nhiên áp lực lạm phát gia tăng khi sản xuất được phục hồi.

Quý I/2013 còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu, việc tái cơ cấu chưa chuyển biến cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2013 đạt 4,89% cao hơn mức tăng 4,75% của qúy I/2012, tuy nhiên thấp hơn so với cùng kỳ 2011 và 2010.

Nhìn chung, sức mua trên thị trường vẫn còn yếu, thể hiện qua chỉ số CPI giảm tốc, tín dụng tăng trưởng rất thấp, sức cầu của người dân và đầu tư của doanh nghiệp còn yếu. Bên cạnh đó, nợ xấu, hàng tồn kho, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp vẫn là những nút thắt kinh tế đáng quan ngại.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I với kim ngạch đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu quý I tuy đạt kết quả khá, song, thành tích này chủ yếu thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 15,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi khu vực trong nước chiếm 35% và đóng góp 3,9 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2013 tăng 4,93% so với quý I năm 2012, đây là mức tăng thấp nhất so với các năm trước. GDP quý I của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 2,24%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm 2011, 2012 (tương ứng là 3,35% và 2,81%), chủ yếu do gặp khó khăn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,6%, trong đó nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5,8%, thủy sản tăng 2,6%.

Vốn đầu tư toàn xã hội tính quý theo giá thực tế tăng 5,5%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì bị giảm; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2013 đạt 29,6% GDP, khá thấp so với con số 36,2% GDP của cùng kỳ năm 2012.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện