Ông Nguyễn Đoan Hùng: Nhà đầu tư tại SMES không bị thiệt hại
Thực ra từ đầu năm nay, SMES đã dừng triển khai giao dịch chứng khoán. Tài khoản của khách hàng tại SMES gần như trong trạng thái đông kết. Cùng với đó, SMES đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký (VSD) đối chiếu các thông tin tài khoản của khách hàng theo quy định, để dần chuyển sang công ty chứng khoán (CTCK) khác.
Quá trình này được tiến hành chặt chẽ, nên diễn ra khá ổn thỏa. Điều này có nghĩa là tài sản của NĐT được an toàn, đồng thời quyền giao dịch của họ được đảm bảo khi tài khoản được chuyển sang CTCK khác theo đúng quy định. Bởi vậy, việc lãnh đạo của SMES bị khởi tố, bắt giam không ảnh hưởng đến việc đảm bảo tài sản và quyền giao dịch của NĐT.
UBCK có nắm được đến thời điểm này, còn bao nhiêu tài khoản của NĐT mà SMES chưa chuyển sang CTCK Đại Nam và CTCK Phú Gia, thưa ông?
SMES đã cơ bản hoàn tất việc chuyển tài khoản của NĐT sang CTCK Đại Nam và CTCK Phú Gia. Số tài khoản mà SMES chưa chuyển không còn bao nhiêu. SMES đang phối hợp với VSD để hoàn tất nốt quá trình này.
Như phân tích của ông thì mối quan hệ giữa SMES với khách hàng mở tài khoản tạm thời chưa nảy sinh vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản lý, giám sát CTCK, thì việc cả năm nay SMES bị mất thanh khoản, nhưng UBCK lại không đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có là bất thường, thưa ông?
UBCK, VSD đã có nhiều nỗ lực chấn chỉnh tình trạng mất thanh khoản của SMES. Cụ thể, UBCK đã có Quyết định 106/QĐ-UBCK ngày 8/2/2012 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của SMES. Thực hiện quyết định này, từ ngày 8/2/2012, VSD đã ngừng cung cấp toàn bộ dịch vụ liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ cho SMES, trừ trường hợp chuyển khoản tất toán của khách hàng sang thành viên lưu ký khác. Trước thời điểm này, VSD cũng có nhiều quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của SMES do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán, không hoàn trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng thời hạn theo cam kết với VSD.
Việc có đưa SMES vào diện kiểm soát đặc biệt hay không, phải căn cứ vào nhiều yếu tố theo quy định. Không chỉ riêng SMES, mà với tất cả các CTCK khác, nếu không đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính, thì UBCK đều xem xét đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và công bố công khai.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, các giải pháp trên là chưa đủ mạnh, nên khiến nhiều NĐT không nhận diện được xác thực mức độ rủi ro tại SMES. Thực tế, nhiều NĐT, ngân hàng đã tiến hành các hoạt động hợp tác đầu tư, cũng cho SMES vay, nay đứng trước nguy cơ bị thiệt hại?
Hai lãnh đạo SMES bị bắt do Công ty có những dấu hiệu vi phạm về triển khai hợp đồng hợp tác đầu tư với một số đối tác. Mức độ sai phạm đến đâu còn phải đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc NĐT đứng trước nguy cơ không thu hồi được các khoản đầu tư, có cả trách nhiệm của chính họ. Trước khi triển khai các khoản đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào SMES, họ có tiến hành các bước thẩm tra kỹ lưỡng về năng lực thực sự của SMES hay không. Đây là quyết định hoàn toàn mang tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NĐT và ngân hàng.
Qua vụ án SMES, cơ quan quản lý nhận thấy cần tăng cường biện pháp giám sát, quản lý các CTCK như thế nào, để giảm thiểu rủi ro cho thị trường, NĐT, thưa ông?
Trước mắt, ngay trong tháng này, sau khi tất cả các CTCK công bố BCTC soát xét quý II/2012 và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính có soát xét tại thời điểm 30/6/2012, UBCK sẽ tiếp tục phân loại và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc CTCK. UBCK sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra về an toàn tài chính và khả năng thanh toán của các CTCK, nhất là các đơn vị có vốn góp từ ngân hàng, các tập đoàn nhà nước, các DN bảo hiểm.
UBCK cũng đang tăng cường quản lý, giám sát về vốn, hành nghề, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, tuân thủ pháp luật của các CTCK. Trong năm nay, sẽ ban hành và áp dụng bộ tiêu chuẩn CAMELS để phân loại CTCK, cũng như các quy định mới về quản trị rủi ro, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của CTCK, giảm thiểu rủi ro cho thị trường, NĐT.
Nguồn Đầu tư chứng khoán