Thứ Bảy | 08/03/2014 23:11

Ông lớn thoái vốn bất thành, SCIC phải mua lại

SCIC phải mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các DNNN nếu không thoái được vốn.

Được bán dưới mệnh giá

Lộ trình thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012, nhưng ngay Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận đa số tập đoàn, tổng công ty thực hiện thiếu quyết liệt và chậm trễ.

Lý do chính là sợ trách nhiệm, bởi thoái vốn thì thua lỗ gần như chắc chắn khi đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

SCIC phải mua lại nếu ông lớn thoái vốn bất thành
SCIC phải mua lại nếu ông lớn thoái vốn bất thành

Trước thực tế đó, ngày 6/3/2014, Nghị quyết Chính phủ về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành.

Theo đó, Chính phủ giữ nguyên thời hạn cuối phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN là 31/12/2015.

Về nguyên tắc thoái vốn, Nghị quyết nêu rõ là bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, hiệu quả. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách thì thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính theo chế độ hiện hành và lập phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền theo đúng Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 của Chính phủ.

Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, các doanh nghiệp được phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Trường hợp đấu giá không thành công doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.

SCIC phải mua lại

Một điểm đáng chú ý khác là đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.

Còn các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Tuy nhiên, Chính phủ giao SCIC xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã được nâng vốn điều lệ đến năm 2015 lên 50.000 tỷ đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời SCIC sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đang mang lại khoản cổ tức khổng lồ và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp.

Thông tin trên TBKTSG cho biết, trong báo cáo mới đây của SCIC khẳng định Tổng công ty sẽ “tăng cường nghiên cứu, tham gia mua lại phần thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty tại một số ngân hàng; tăng cường đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược theo tỷ lệ 70% (tổng vốn đầu tư của Tổng công ty) trên nguyên tắc hiệu quả".

Xuân Tùng (tổng hợp)

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện