Thứ Sáu | 30/11/2012 15:51

Ông Lê Xuân Nghĩa: Vòng quay vốn suy giảm nghiêm trọng

Vòng quay tiền chậm lại do tín dụng tắc nghẽn, hàng hoá tồn kho, sức tiêu thụ đình trệ và suy giảm lòng tin vào triển vọng kinh tế.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích các nguyên nhân khiến cho vòng quay vốn suy giảm.

Ông Nghĩa cho biết, trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, vòng quay tiền trung bình vào khoảng 2,5 lần/năm, nay giảm xuống chỉ còn 1 lần/năm, thậm chí chỉ xấp xỉ 0,9 lần. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang thiếu vốn nghiêm trọng.


Tính hết quý III, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 4,73%, trong khi tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) là 10,37%, gấp hơn hai lần so với tốc độ tăng GDP. Đó là một trong những biểu hiện cụ thể cho thấy vòng quay của tiền trong nền kinh tế rất chậm. Nói một cách khác, với quy mô GDP danh nghĩa của Việt Nam khoảng 2,9 triệu tỉ đồng, nếu vòng quay của tiền nhanh hơn, thì cung tiền (M2) sẽ thấp, nhưng trong trường hợp của ta thì ngược lại.


Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang thiếu vốn nghiêm trọng, đồng thời cũng rơi vào tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh. Hai yếu tố này tác động lẫn nhau: tài chính yếu kém cũng góp phần làm suy giảm thêm năng lực hoạt động; tồn kho chất đống càng khiến thanh khoản suy kiệt.

Vòng quay tiền chậm lại có nhiều nguyên nhân: tín dụng tắc nghẽn (chín tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới tăng 2,35% so với cuối năm 2011); hàng hoá tồn kho, sức tiêu thụ đình trệ. Hết quý , chỉ số tồn kho vẫn tăng trên 20%, trong đó có một số mặt hàng tồn kho cao như ximăng tăng 50,2%; sắt thép tăng 40,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chỉ tăng 17,3% (chưa trừ đi chỉ số lạm phát) so với trung bình nhiều năm đều tăng trên 30%...

Bên cạnh nguyên nhân luân chuyển tiền tệ và hàng hoá chậm lại nghiêm trọng, vòng quay của tiền chậm lại còn do tình trạng nợ nần giữa doanh nghiệp với ngân hàng cũng như giữa doanh nghiệp với nhau.

Đặc biệt, vòng quay vốn chậm lại còn có nguyên nhân do lòng tin suy giảm, bao gồm lòng tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng về triển vọng kinh tế và lòng tin giữa các đối tác, bạn hàng với nhau. Cụ thể, khi lòng tin suy giảm, doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô, thậm chí thu hẹp lại còn người tiêu dùng cũng tằn tiện trong chi tiêu. Khi lòng tin suy giảm, phương thức thanh toán gối đầu cũng bị hạn chế, thay vào đó là phương thức “tiền trao cháo múc”, trong khi năng lực thanh toán của cả nền kinh tế đang rất eo hẹp.

Theo ông, có cách nào để cải thiện tình trạng này không?

Cần phải tiếp tục giảm lãi suất tín dụng, để các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, từ đó có điều kiện giảm giá thành, giảm giá bán, kích thích tiêu dùng, từ đó kích thích đầu tư.

Đi liền đó, là phải thay đổi cách thức phân phối vốn hiện nay khiến cho đồng vốn không đến được nơi cần, nơi nó có thể phát huy hiệu quả. Cụ thể, phải xét duyệt món vay theo từng dự án cụ thể, chứ không phải vì thương hiệu của doanh nghiệp (nhiều doanh nghiệp có tên tuổi vẫn có thể có những dự án kém hiệu quả) hay vì mối quan hệ và đặc biệt, không thể vì liên quan đến nhóm lợi ích (các công ty sân sau mà cổ đông ngân hàng sở hữu chéo) như tại một số ngân hàng vừa qua. Đồng thời, phải đẩy nhanh lộ trình xử lý nợ xấu để giải toả điểm nghẽn về tín dụng cho nền kinh tế.

Điểm mấu chốt là sản xuất, kinh doanh phải được phục hồi và điều này đòi hỏi hàng loạt giải pháp vĩ mô, vi mô, từ cả cơ quan quản lý đến bản thân từng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, như các chính sách về thuế, bao gồm cả thuế đánh vào doanh nghiệp cũng như thuế đánh vào người tiêu dùng.

Nợ xấu đã được bàn nhiều, song đến nay vẫn là gánh nặng lớn, thậm chí có nguy cơ tiếp tục tăng lên?

Bàn nhiều song nhiều biện pháp đã bàn chưa được thực hiện. Trước hết, các ngân hàng phải tự thân vận động trong xử lý nợ xấu và họ đã và đang làm, như là rà soát, đôn đốc thu hồi nợ; trích lập dự phòng rủi ro; điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận và phân phối cổ tức; rà soát, xem xét khả năng phát mãi tài sản.

Tuy nhiên, nợ xấu phát sinh là do năng lực hoạt động của doanh nghiệp, trong đó một phần rất lớn nằm ở khu vực bất động sản, do vậy cần có biện pháp và thời gian để sản xuất, kinh doanh nói chung phục hồi cũng như từng bước tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Trong lúc này, vẫn cần phải có giải pháp tín dụng cho một số doanh nghiệp đang có nợ xấu mà việc rà soát, cho vay theo dự án như tôi nói ở trên là cần thiết, để giúp doanh nghiệp cơ hội tồn tại, phục hồi. Có như vậy ngân hàng mới có cơ hội thu hồi được nợ.

Nguồn SGTT


Sự kiện