Thứ Bảy | 11/08/2012 08:48

Ông Lê Xuân Nghĩa: Thực tế chỉ còn dư địa 1% để giảm lãi suất

Theo ông Nghĩa, nếu lãi suất xuống thấp hơn sẽ khiến tỷ giá hối đoái biến động mạnh và có thể gây những bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng.
VnEconomy ngày 10/8 đã tổ chức giao lưu trực tuyến với các chuyên gia độc lập, lãnh đạo ngân hàng về tác động của chính sách trước yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Từ tháng 8/2011, chủ trương hạ lãi suất cho vay đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã 5 lần giảm các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với đầu năm. Cùng với đó là chủ trương hạ lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm.

Trước ý kiến cho rằng, cần phải giảm lãi suất xuống sâu hơn mức hiện tại 15%/năm, thậm chí ở mức 8 - 10%/năm đối với lãi vay ngắn hạn, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng, lãi suất biến động hoàn toàn không theo mong muốn mà đó là một loại giá cả vĩ mô quan trọng và có tính khách quan, thị trường.

Theo ông Nghĩa, từ giữa năm 2011 lại nay, chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ rất lớn, khiến cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng chuyển tài sản từ ngoại tệ sang nội tệ để hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, chênh lệch đó hiện đang bị thu hẹp.

Giả định lãi suất huy động ngoại tệ trung bình 4%/năm trừ đi lạm phát của Mỹ 2%/năm + lạm phát của Việt Nam 5%/năm và rủi ro hối đoái 2%/năm, trong khi lãi suất huy động VND bình quân 11%/năm, thì chênh lệch thực tế giữa lãi suất VND và ngoại tệ là 2%/năm.

Ông Nghĩa phân tích, đây là dư địa duy nhất còn lại để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất. Tuy nhiên dư địa này cũng rất mong manh vì chỉ số lạm phát của Việt Nam có 40% trọng số là lương thực thực phẩm thường tăng lên theo mùa vụ đặc biệt là cuối năm. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước trên thực tế chỉ còn dư địa 1% để điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm.

Nếu lãi suất xuống thấp hơn, dân chúng, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ dịch chuyển tài sản ngược lại từ nội tệ sang ngoại tệ và tỷ giá hối đoái sẽ biến động mạnh và có thể gây những bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng.

Ngoài ra, nợ xấu cũng là một yếu tố khiến cho các ngân hàng thương mại không thể giảm lãi suất cho vay xuống mặc dù lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh vì họ phải trích lập dự phòng rủi ro và tăng chi phí xử lý nợ xấu. 

Về vấn đề giảm lãi suất, ông Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính độc lập cho rằng, lãi suất thấp hay cao suy cho cùng là phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của người vay. Và khả năng này lại tùy thuộc vào lạm phát, lãi suất huy động, chi phí hoạt động của ngân hàng. Trên thực tế đà tăng lạm phát đang giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu đó chính là những nhân tố khách quan buộc lãi suất phải giảm.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện