Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn mua sân bay Phú Quốc
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất mua hoặc được quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc. “Chúng tôi mong được chấp thuận về mặt chủ trương của Bộ trưởng để có thể xúc tiến việc chuẩn bị và tham gia trong thời gian sớm nhất”, công văn nêu rõ.
Liên Thái Bình Dương có hơn 30 năm hợp tác với ngành hàng không và 25 kinh nghiệm trong đầu tư, cung cấp hàng hóa, điều hành kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng thức ăn nhanh và các điểm dịch vụ bán lẻ tại nhiều sân bay của Việt Nam.
Đây cũng không phải là cái tên xa lạ với doanh nghiệp đang quản lý 21 sân bay – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tháng 9 năm ngoái, ba công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chi khoảng 310 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần của Công ty Dịch dụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) – một công ty con của ACV.
Trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương mua 21 triệu cổ phần, tương ứng 16% vốn điều lệ; Hai cái tên còn lại là Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm Duy Anh mua 6,57 triệu cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ và Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm châu Âu mua 3,4 triệu cổ phần, tương ứng 2,6% vốn điều lệ.
Để được thay Nhà nước quản lý khai thác sân bay quốc tế Phú Quốc, công ty của ông Hạnh Nguyễn sẽ phải cạnh tranh với Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển. Doanh nghiệp của "bầu" Hiển là đơn vị đầu tiên thể hiện mong muốn được nhượng quyền khai thác cảng hàng không này.
Trước đó, đã có thông tin cho hay sân bay này còn nhận được sự quan tâm của một doanh nghiệp nước ngoài. Tại hội thảo về xã hội hóa hạ tầng hàng không tuần trước, lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định cơ hội tại hai sân bay thí điểm nhượng quyền là Phú Quốc và T1 Nội Bài chỉ giành cho nhà đầu tư trong nước.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, hiện hai doanh nghiệp này mới có văn bản “dừng ở mức nêu nguyện vọng” chứ chưa thể hiện phương án cụ thể. Cùng với đó, chủ trương thí điểm nhượng quyền còn phải chờ Thủ tướng cho ý kiến nên Bộ chưa nghĩ đến việc nghiêng về bên nào.
Tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M).
Theo quy định hiện hành, đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.
Bộ Giao thông cho rằng, với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình có hiệu quả và trả lại nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được một khoản kinh phí xác định. Nguồn tiền này có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, các cơ quan thuộc Bộ sẽ xác định lại giá trị tài sản của sân bay Phú Quốc để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, định giá. Bộ sẽ xem xét lựa chọn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu đề ra, hoặc đấu thầu để lựa chọn nếu có trên 2 nhà đầu tư.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc công suất 2,6 triệu hành khách mỗi năm, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000 m, với 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747.
Năm 2014, cảng hàng không Phú Quốc đạt sản lượng gần 800.000 hành khách, tăng khoảng 100.000 khách so với năm 2013, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Nguồn VnExpress