Ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021
Thống nhất bầu ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank
Đại hội đã thông qua tờ trình bầu thành viên HĐQT, BKS Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 với tỷ lệ đồng ý là 99,95%.
Kết quả bầu cử, tất cả các ứng cử viên HĐQT và BKS đều trúng cử nhiệm kỳ mới, trong đó ông Dương Công Minh đạt tỷ lệ trúng cử cao. Hội đồng quản trị Sacombank đã nhóm họp và thống nhất bầu ông Dương Công Minh là Chủ tịch ngân hàng trong nhiệm kỳ 2017-2021.
Ông Dương Công Minh sinh năm 1961, có trình độ cử nhân kinh tế. Ông Minh là Chủ tịch của Công ty cổ phần Him Lam từ năm 1997 đến nay.
Ông là người gắn bó với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ giai đoạn thành lập trù bị vào năm 2007 và giữ chức Chủ tịch ngân hàng này từ năm 2008 đến tháng 6/2017. Ngoài ra, ông Minh cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch tại các công ty gồm CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần và CTCP Chứng khoán Liên Việt.
Mới đây, Him Lam đã thoái toàn bộ 14,98% vốn tại LienVietPostBank.
Danh sách thành viên HĐQT trúng cử gồm:
1. Ông Kiều Hữu Dũng (tỷ lệ trúng cử 66,428%)
2. Ông Dương Công Minh (198,3238%)
3. Ông Phạm Văn Phong (65,4524%)
4. Ông Nguyễn Miên Tuấn (75,5821%)
5. Ông Nguyễn Xuân Vũ (65,5449%)
6. Bà Lê Thị Hoa (ứng cử thành viên độc lập) (93,5629%)
Trong danh sách này có ba thành viên là nhân sự nhiệm kỳ trước của Sacombank gồm ông Kiều Hữu Dũng, ông Nguyễn Miên Tuấn và ông Nguyễn Xuân Vũ.
Ngoài ra, hai thành viên khác đến từ Vietcombank là ông Phạm Văn Phong (Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đak Lak từ năm 2002 đến nay) và bà Lê Thị Hoa (Thành viên HĐQT Vietcombank từ năm 2003 đến nay và từng là thành viên HĐQT ngân hàng Eximbank).
Ông Kiều Hữu Dũng và ông Phạm Văn Phong cũng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Sacombank.
Danh sách thành viên BKS gồm:
1. Ông Hà Tôn Trung Hạnh (83,0041%)
2. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (82,9240%)
3. Ông Lê Văn Tòng (82,5667%)
4. Ông Trần Minh Triết (125,7056%)
Danh sách này có ba thành viên đến từ Sacombank, riêng ông Trần Minh Triết là thành viên đến từ Vietcombank. Ông Triết cũng được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát.
Nhân sự nhiệm kỳ mới của Sacombank ra mắt Đại hội đồng cổ đông. Ảnh: Trường Văn |
Bầu cử nhân sự là một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại đại hội lần này. Nhiệm kỳ 2011-2015 của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) Sacombank đã kết thúc, tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên năm 2016, ngân hàng này chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên để bầu nhân sự cho nhiệm kỳ 2016-2020.
Do vậy, nhiệm kỳ tiếp theo của HĐQT và BKS có thời hạn 5 năm được tính từ năm 2017-2021. Số lượng thành viên HĐQT là 7 thành viên, trong đó có một thành viên độc lập. Còn BKS sẽ có 4 thành viên, tất cả đều là thành viên chuyên trách.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt danh sách ứng cử viên nhân sự nhiệm kỳ mới, đã có một số ứng cử viên gửi đơn xin rút tên ra khỏi danh sách nên số lượng ứng cử viên HĐQT được NHNN phê duyệt là 6 người. HĐQT Sacombank sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung thành viên còn thiếu trong kỳ họp lần tới.
Đại hội cũng đã thống nhất thông qua tất cả nội dung các tờ trình.
Cổ đông Sacombank đang bỏ phiếu bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021. Ảnh: Trường Văn |
Không trích lập, lợi nhuận 6 tháng đầu năm có thể đạt 3.000 tỷ đồng
Cổ đông chất vấn ban chủ tọa về sự vắng mặt của ông Trầm Bê, Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng cho biết ông Trầm Bê đã chuyển giao và ủy quyền cho NHNN, ông cũng không còn nắm chức vụ tại ngân hàng, do đó không tham gia vào Đại hội hôm nay.
Ông Kiều Hữu Dũng cũng thay mặt ông Trầm Bê gửi lời xin lỗi tới cổ đông ngân hàng.
Trước những thắc mắc của cổ đông về tình hình hoạt động của ngân hàng, ông Dũng thừa nhận Sacombank đã gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập.
Theo ông Dũng: "Nếu nhìn lại, từ năm 2012 đến năm 2014 trước sáp nhập đều tăng trưởng 20-25%/năm. Sau sáp nhập, nếu tách phần trích lập dự phòng, không có gánh nặng đó thì lợi nhuận rất ấn tượng. Đơn cử như 6 tháng đầu năm nay, nếu không trích lập dự phòng thì lợi nhuận cũng phải 3.000 tỷ đồng".
Thêm vào đó, tất cả các chi nhánh của Sacombank đều làm ăn có lãi. Đó là lý do Sacombank tuy phải gánh ngân hàng Phương Nam nhưng nhà đầu tư vẫn đánh giá cao hệ thống của Sacombank và vẫn quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng, ông Dũng nói.
Phấn đấu giải quyết trên 65% nợ xấu trong 3 năm
Trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Miên Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Phó Chủ tịch Sacombank, cho biết liên quan đến quyền lợi, giá cổ phiếu, cổ tức, Đại hội lúc sáp nhập hai ngân hàng đã trình bày rõ giai đoạn đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng phần hoán đổi cổ phiếu ngân hàng Phương Nam chưa xong thủ tục niêm yết bổ sung.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, cổ đông hưởng lợi bình quân 11%/năm, trong bối cảnh tình hình khó khăn thì con số này không quá tệ, ông Tuấn nhận định. Trước sáp nhập, cổ phiếu giá 16-18.000 đồng, giờ xuống giá nhiều nhưng một phần do bị pha loãng sau sáp nhập. Trách nhiệm của HĐQT là giữ được ngân hàng hoạt động ổn định, duy trì đội ngũ nhân sự...
Về định hướng kinh doanh sắp tới, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu sau sáp nhập từ 2017-2025, đề án này là cơ sở công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán hai năm 2015, 2016. Sau Đại hội, HĐQT mới sẽ có những định hướng tái cấu trúc ngân hàng, làm sao để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng trên cơ sở phát huy thế mạnh ngân hàng bán lẻ, tạo nguồn thu nhập bổ sung xử lý tồn đọng.
Thứ hai là tập trung giải quyết triệt để các khoản nợ xấu, lãi dự thu, tài sản khó sinh lời, giữ lại tài sản có sinh lời. Tài sản khó sinh lời của Sacombank rất lớn, nếu xử lý 80.000-90.000 tỷ đồng sẽ tạo ra nguồn thu nhập lớn. Thành viên HĐQT mới có kinh nghiệm trong quản lý nợ, xử lý tài sản, sẽ cùng xử lý với các thành viên từ Vietcombank. Trong vòng 3 năm Sacombank sẽ xử lý được 70% và có thể xử lý hết trong 5 năm, đại diện Sacombank nói.
Thứ ba, Sacombank sẽ phát huy nền tảng mảng lưới, hệ thống để đẩy mạnh kinh doanh. Sắp tới ngân hàng sẽ hợp tác với một công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam để phát triển mảng kinh doanh này. Dự kiến thu nhập từ hoạt động này là 3.000 tỷ đồng, bổ sung vào thu nhập ngân hàng.
Thứ tư, Sacombank là ngân hàng top 5, sẽ tiếp tục triển khai để tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Liên quan đến việc đảm bảo an toàn vốn, ngân hàng sẽ bổ sung vốn tự có bằng cách mời gọi các tổ chức quan tâm tới ngân hàng. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm, ông Tuấn cho hay.
Về cổ tức, theo ông Tuấn, trong thời gian tới lợi nhuận phải giữ lại để thực hiện tái cấu trúc nên chưa thể chi trả cổ tức cho cổ đông.
Mục tiêu lợi nhuận 585 tỷ đồng trong năm 2017
Năm 2017, Sacombank dự kiến tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng lần lượt là 17% và 19%. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu đạt 585 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt 332.023 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động đạt 304.942 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 237.918 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và riêng của ngân hàng ở thời điểm 31/12/2016 lần lượt là 6,81% và 6,68%.
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý tồn đọng, kéo theo đó lợi nhuận sụt giảm. Năm 2015 và 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank lần lượt đạt 878 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.
Trường Văn