Thứ Năm | 11/10/2012 16:56

Ông Đỗ Minh Phú: SJC không thể chi phối lượng giao dịch trên thị trường

Ông Đỗ Minh Phú khẳng định, nếu nói vì có sự độc quyền vàng miếng SJC nên tạo chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới là không đúng.
Về mối liên hệ giữa độc quyền vàng miếng SJC với chênh lệch giá hiện nay, ông Đỗ Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC cần được nhìn nhận toàn diện, vì có thể đó là cái gốc của nhiều vấn đề trên thị trường vàng hiện nay.

Theo ông Phú, vấn đề chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và vàng quốc tế không phải chỉ có ở thời điểm này. Nếu nói rằng vì có sự độc quyền vàng miếng SJC nên tạo chênh lệch lớn là không đúng. Trước thời điểm có sự độc quyền vẫn chênh lệch như vậy, thậm chí còn chênh hơn hiện tại.

Ông Phú cho rằng, có một điểm cần phân biệt rõ là, vàng miếng SJC chiếm tới 90% các giao dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là SJC Sài Gòn chiếm 90% các giao dịch đó khi mà người dân và các tổ chức kinh tế khác trên thị trường nắm giữ vàng SJC là chủ yếu và sử dụng vàng miếng SJC cho hầu hết các giao dịch. Vì vậy không có chuyện chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền của doanh nghiệp ở đây.

Ông Phú nói: "Từ khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng thì hiện tượng nhập lậu vàng giảm mạnh; tình trạng gom giữ USD “chợ đen” để mua vàng vào là gần như không còn giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được tỷ giá ổn định.

Hiện Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu. Ba cái độc quyền này tạo điều kiện để đưa thị trường vàng đi vào khuôn khổ. Kết quả thế nào thì chúng ta thấy rất rõ là về tỷ giá thì ổn định; giải quyết được căn cơ nạn nhập lậu vàng".

Ông Phú cũng cho rằng, việc độc quyền sản xuất cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng vàng trên thị trường, vì lượng nằm trong dân đã rất lớn, có thể tới 350 - 400 tấn; không ảnh hưởng đến quyền người dân được giữ, sở hữu và mua bán. Trong đó vàng SJC đã quá phổ biến nên không còn phụ thuộc hoàn toàn vào công ty sản xuất ra nó nữa.

Nguyên nhân có chênh lệch lớn giữa giá vào trong nước và thế giới, theo ông Phú, đầu tiên là do giá vàng trong nước với thế giới không được liên thông với nhau, vì không được nhập khẩu một cách tự do.

Thứ hai là vàng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, đến nay vàng không chỉ là phương tiện cất trữ mà còn để đầu tư, lướt sóng… Việc đầu tư về hình thức rất đơn giản và dễ dàng vì nó có tính thanh khoản cao, nên nhiều người tích cóp được ít tiền cũng có thể tham gia. Vì vậy, đám đông đó chịu ảnh hưởng của chính tâm lý “đám đông”, làm cho khoảng cách giá rất dễ bị giãn ra theo cung - cầu ảo, dễ bị giới đầu cơ lợi dụng làm giá.

Thứ ba, tại một số thời điểm nhất định xuất hiện những lực cầu, ví dụ cần thanh khoản, cần trả vàng cho các khoản vay… Những lực cầu đó lớn ở những thời điểm nhất định nó tạo ảnh hưởng. Như chúng ta thấy đang đến thời điểm nhóm các ngân hàng “G5” phải mua cân đối lượng vàng đã bán ra bình ổn trước đây.

Thứ tư là các chính sách điều hành của cơ quan nhà nước chưa thực sự nhạy bén, chưa theo kịp thị trường, chính vì vậy càng làm cho các vấn đề trên có đất để phát triển.

Trước đây còn có nguyên nhân tỷ giá ngoại tệ, nhưng hiện nay bị loại trừ.

Theo ông Phú, thực tế một số thời điểm cho thấy khoảng 10 tấn vàng tương ứng trên 250.000 lượng vàng là giải quyết được vấn đề tâm lý và chặn đứng cơn sốt của thị trường, nhưng phải có sẵn vàng miếng chứ không phải hạn ngạch nhập khẩu.

"Nên chăng dùng một phần dự trữ quốc gia bằng vàng tiêu chuẩn quốc tế chuyển sang vàng SJC để giải cứu thị trường khi cần, vì vàng SJC chuyển sang vàng tiêu chuẩn quốc tế lúc nào cũng được. Bên cạnh đó nếu sử dụng được việc một phần vàng huy động trong dân làm quỹ vàng bình ổn cũng là một khả năng", ông Phú nói.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện