Ông Đặng Văn Thành: Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu đường
Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo Mía đường quốc tế lần thứ 2 do Tập đoàn Thành Thành Công tổ chức vào ngày 14/7, ông Đặng Văn Thành, chủ tịch tập đoàn cho biết Thành Thành Công muốn hướng đến mục tiêu xuất khẩu đường ra thế giới: "Sau năm 2015, việc xuất khẩu đường Việt Nam ra thế giới là hoàn toàn khả thi".
Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công khởi nghiệp với nghề kinh doanh mật rỉ (một sản phẩm làm từ đường) từ cuối thập niên 1980. 35 năm sau, ông Thành lại trở về với ngành mía đường với tham vọng nâng ngành mía đường Việt Nam lên một tầm cao mới.
Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đường, ngoài lượng đường nhập khẩu chính thức hàng năm theo quota được Bộ Công Thương cấp giấy phép cho các doanh nghiệp, thị trường đường Việt Nam còn chịu sức ép bởi đường nhập khẩu từ Thái Lan, do giá thành đường của Việt Nam cao hơn giá thành đường của Thái Lan, cường quốc đường thứ 2 của thế giới (chỉ sau Brazil).
Giá mía của Việt Nam hiện nay là 45-50 USD/tấn trong khi đó giá mía của Thái Lan chỉ ở mức 24-30 USD/tấn. Khi thuế nhập khẩu đường giảm xuống 0% (từ mức 5-25% so với hiện nay) theo lộ trình AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) vào năm 2018, sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt và gay gắt hơn.
Bài toán giảm giá thành đường của Việt Nam là một bài toán mà ông Đặng Văn Thành buộc phải tìm lời giải nếu muốn biến tham vọng xuất khẩu đường ra thế giới thành hiện thực.
“Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía" là chủ đề chính của buổi hội thảo cũng là mối quan tâm của nhiều người tham dự từ giáo sư Võ Tòng Xuân, người được ông Thành mời về xây dựng Trung tâm Nghiên cứu mía đường cho đến ông Lê Văn Tam, chủ tịch Hiệp hội mía đường Lam Sơn.
"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", là bốn yếu tố cơ bản cần phải được cải thiện để giải quyết bài toán giá thành sản xuất mía.
Về việc canh tác, ông Thành đã mời đến Việt Nam công ty John Deere để giới thiệu về các biện pháp canh tác ở Louisiana nhằm giảm chi phí sản xuất mía và phương pháp kĩ thuật canh tác nâng cao năng suất cho mía; về hệ thống tưới nước tiết kiệm ông đã mời ông Hyatt Thomas James – Giám đốc dự án toàn cầu phụ trách về tưới phun của Úc trình bày về Mô hình tưới tự hành để giảm chi phí sản xuất mía tại Queesland.
Hội thảo cũng dành thời gian để các nông dân Việt Nam trình bày những sáng kiến trong việc tăng năng suất, giảm giá thành. Ông Huỳnh Văn Giáo nông dân tiêu biểu của CTCP Đường Ninh Hoà, một công ty con của Thành Thành Công, đã trình bày sáng kiến tưới mía từ nguồn nước tự nhiên, qua đó hướng dẫn cơ bản cách thiết lập hệ thống tưới do nông dân thiết kế.
Trong một buổi trao đổi với báo giới về việc làm thế nào để chống buôn lậu đường, ông Đặng Văn Thành khẳng định một quan điểm gây ngạc nhiên cho nhiều người khi nói rằng để chống buôn lậu đường phải xuất phát từ nông dân.
Ông nói: "Chúng tôi tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 2 về mía đường để mang các ứng dụng khoa học kỹ thuật của thế giới đến Việt Nam giúp nông dân tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất mía. Trong mùa vụ 2013-2014, trong nhóm các nhà máy đường trực thuộc Thành Thành Công đã có một nhà máy sản xuất đường với giá thành dưới 10.000 đồng/kg, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp từ các chuyên gia và nông dân trồng mía để tăng sức cạnh tranh của cây mía Việt Nam".
Nguồn Theo DVO