Ông Đặng Văn Thành tái xuất
Từ cuối năm 2012 đến nay, dân trong ngành cũng như cánh báo chí rất ít thấy sự xuất hiện của ông trước công chúng. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm về ngành mía đường vào chiều ngày 17-6, cũng như gặp gỡ các phóng viên nhân kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ông Thành xuất hiện trở lại với phong thái tự tin và mạnh mẽ như ngày nào.
Giờ đây, ông Đặng Văn Thành không còn gắn với ngân hàng mà là một chuyên gia ngành mía đường. Hiện ông giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), với hàng chục công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực mía đường, thương mại, vận tải - kho bãi, du lịch - khách sạn, bất động sản...
Ông nói rằng: “Tất cả rồi sẽ qua, mọi việc còn quá nhiều phía trước. Điều quan trọng bây giờ là phải tập trung quyết liệt làm sao tạo vị thế cho cây mía Việt Nam, để người nông dân có lời, nhà máy đường có lãi và đường lậu không có cửa tồn tại”.
Sẽ đánh bật đường lậu
Theo ông Đặng Văn Thành, Việt Nam mỗi năm sản xuất 1,4 triệu tấn đường, sau khi tiêu thụ và xuất khẩu, lượng tồn kho còn khoảng 200 ngàn tấn. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất chính là đường nhập lậu Thái Lan đang thao túng thị trường, nhà nước chưa tìm được cách chống đỡ. Đó là chưa kể việc sẽ xoá bỏ thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào năm 2015 theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do AFTA càng làm áp lực cạnh tranh và chống chọi với đường lậu từ Thái Lan còn kinh khủng hơn.
“Không còn cách nào khác, chính ngành đường phải tự cứu bằng cách làm sao tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm để có thể “đè” được đường lậu giá rẻ từ Thái Lan. Nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”- ông Thành cảnh báo.
Cũng theo ông Thành, 3 khâu quan trọng nhất hiện nay của ngành đường là phải kiểm soát chi phí đầu vào, ổn định nguồn nguyên liệu; tăng năng suất của các nhà máy đồng thời nâng cao chất lượng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng vừa đa dạng vừa an toàn. Cùng với đó là đẩy mạnh khâu tiêu thụ.
Ông Thành cho biết để có khâu nguyên liệu đầu vào, TTC của ông đã sát cánh với người nông dân từ việc nghiên cứu giống mía, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho đến bao tiêu sản phẩm. “Chúng tôi phải may từng cái áo cho nông dân thì họ mới có thể cùng với mình chống buôn lậu. Nói điều này thực sự nhiều người thấy lạ nhưng chính việc cùng nông dân tìm cách giảm giá thành, hạ giá bán, gia tăng tính cạnh tranh là đã chống buôn lậu rồi còn gì” - ông Thành lý giải.
TTC đang nghiên cứu đưa các kỹ thuật tiên tiến từ Pháp vào sản xuất mía đường để tương lai có thể đánh bại công nghệ sản xuất mía đường của Trung Quốc. Ngoài ra, để có được thị trường tiêu thụ tốt TTC đang cố gắng làm phong phú sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tức TTC sẽ tiếp cận, đưa ra thị trường các sản phẩm mà thị trường, người tiêu dùng cần.
Với những nỗ lực của TTC nói riêng và ngành đường nói chung, ông Thành kỳ vọng từ niên vụ 2016-2017, nỗi ám ảnh về đường nhập lậu từ Thái Lan không còn nữa.
Thâu tóm ngành mía đường
Nói về quy mô của TTC, ông Đặng Văn Thành cho biết tập đoàn đã trải qua 35 năm hình thành và phát triển. Hiện, TTC có vốn điều lệ trên 9.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 11.600 tỉ đồng và tổng tài sản 25.000 tỉ đồng. Và lợi nhuận năm 2014 ước khoảng 800 tỉ đồng.
Hiện nay, TTC hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng, bất động sản, du lịch, đầu tư tài chính với 20 công ty thành viên và các công ty liên kết, nhưng cây mía vẫn là lĩnh vực chính mà cả gia đình ông đang say sưa theo đuổi.… Vụ mía 2013-2014, TTC đạt sản lượng sản xuất 295.000 tấn, vượt 112% so với vụ trước, chữ đường đạt 9.75 CCS trong vụ này, tăng 110%. Các sản phẩm đường của TTC hiện chiếm dưới 30% thị phần cả nước. Tiềm năng của TTC trong ngành mía đường vẫn còn rất lớn thông qua việc nâng cao năng suất, phát triển các sản phẩm cạnh tranh sau đường... Điều này giúp tập đoàn có đủ khả năng hỗ trợ ngành đường chống chọi với những thách thức.
Ông cũng chia sẻ một sự kiện gây chú ý với giới đầu tư tài chính gần đây là việc hai thành viên của TTC gồm: Công ty CP Đường Ninh Hoà (NHS) và Công ty CP Đường Biên Hoà (BHS) thông qua kế hoạch sáp nhập với nhau. Theo ông Thành, kết quả này thể hiện niềm tin của các cổ đông rằng việc sáp nhập sẽ làm gia tăng lợi nhuận, góp phần thúc đẩy công ty đi lên. Sau khi sáp nhập NHS với BHS sẽ hỗ trợ cho nhau, làm cho sản phẩm của cả hai gia tăng giá trị tối đa, bởi giá nguyên liệu đầu vào của NHS rẻ hơn 10% so với BHS, trong khi các sản phẩm của BHS thì rất đa dạng, được thị trường ưa chuộng rất nhiều.
Sắp tới, TTC cũng có kế hoạch sáp nhập một công ty mía đường ở Tây Ninh với Công ty CP Mía đường Gia Lai (SEC). Mục đích của việc “thâu tóm” này thực tế là để tăng năng lực, cùng tồn tại và phát triển, nâng cao tính cạnh tranh, nhằm đối phó với những cạnh tranh khắc nghiệt trong thời gian tới đây.
Trong thời gian tới, TTC có kế hoạch gia tăng thị phần lên nhưng không quá 30% toàn thị trường nhằm tránh việc phải chịu khống chế bởi Luật Cạnh tranh.
Nguồn Người Lao Động