Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh hiện nay là ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group. Ảnh: Tuấn Phùng

 
Tuấn Phùng Thứ Sáu | 23/08/2019 07:27

Ông chủ tập đoàn Thiên Minh muốn lập hãng hàng không Cánh Diều

Theo đó, trong năm đầu tiên hoạt động, Cánh Diều sẽ khai thác 6 máy bay ATR 72, năm tiếp theo tăng lên 12 chiếc và năm thứ 3 lên 15 chiếc.

Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị các bộ liên quan thẩm định dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều - Kite Air của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.

Theo dự án vận tải hàng không Cánh Diều do Thiên Minh thành lập, hãng Cánh Diều sẽ được thành lập tại Cảng hàng không Chu Lai, Quảng Nam và thuê địa điểm tại Cảng hàng không Chu Lai làm văn phòng trong thời gian 50 năm.

Về quy mô đầu tư, Công ty Thiên Minh dự kiến hãng hàng không Cánh Diều sẽ khai thác 30 máy bay tới năm 2024 gồm 15 máy bay ATR 72 và 15 máy bay Airbus A320, A321 hoặc loại tương đương.

Theo đó, trong năm đầu tiên hoạt động, Cánh Diều sẽ khai thác 6 máy bay ATR 72, năm tiếp theo tăng lên 12 chiếc và năm thứ 3 lên 15 chiếc. Những năm sau sẽ tăng thêm 5 máy bay/năm.

Tổng mức đầu tư dự án lập hãng hàng không Cánh Diều dự kiến 1.000 tỉ đồng. Dự kiến Cánh Diều khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên trong quý 1-2020.

Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh do ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group - thành lập vào cuối tháng 6-2019.

Ông Trần Trọng Kiên vừa là chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty này. Ba cổ đông chính của công ty gồm: ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỉ đồng (60% vốn), Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỉ đồng (30%), bà Trần Hằng Thu - phó giám tổng giám đốc kiêm giám đốc tài chính của Thiên Minh góp 100 tỉ đồng.

Với các pháp nhân hàng không mới thành lập như: Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Cánh Diều (Kite Air ), Luật đầu tư quy định các pháp nhân trên sẽ phải nộp đề xuất dự án vận tải hàng không tới sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Sở kế hoạch và đầu tư sẽ gửi đề xuất dự án đến các bộ ngành liên quan cho ý kiến. Sau đó, sở kế hoạch và đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh trình Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, theo quy định của Luật hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải sẽ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp.

Nguồn Tuổi trẻ