Ông Bện làm máy cuốn rơm
Mấy năm gần đây, bà con nông dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thêm niềm vui mới từ những chiếc máy cuốn rơm “made in Vietnam”. Khi những chiếc máy gặt đập liên hợp đi qua, để lại phía sau lưng là những luống rơm vàng trải dài trên các cánh đồng, thì những chiếc xe cuốn rơm chạy phía sau, nhẹ nhàng cuốn những cuộn rơm khổng lồ một cách gọn gàng. Cả chiếc xe cuốn, tính luôn phần sàn chứa rơm thành phẩm cũng chỉ bằng diện tích một căn phòng nhỏ khoảng 9 m2. Điểm đặc biệt khác là chiếc xe hoạt động chỉ với 2 người, một người điều khiển xe và một người xếp rơm. Cứ thế, những chiếc xe chạy trên khắp cánh đồng và mang về hàng ngàn cuộn rơm khô tại điểm tập kết.
Chiếc xe đặc biệt này do kỹ sư Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty Phan Tấn, thiết kế và lắp ráp. Mới chính thức được nâng cấp thành công ty từ năm 2014, Phan Tấn vẫn còn tổ chức bộ máy quản lý ở quy mô gia đình chỉ với khoảng 5 người. Tuy nhiên, hiện công ty này có 4 xưởng sản xuất với hơn 70 thợ và công nhân. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, ông Bện đã có được hơn 15 sáng chế và đã đưa ra thị trường hàng ngàn sản phẩm từ những sáng chế này. Chiếc xe cuốn rơm cũng là một trong những sáng kiến đầy tự hào của ông, được dựa trên ý tưởng “biến rơm thành tiền” khi ông nhìn thấy nguồn nguyên liệu bao la của vùng và nhu cầu sử dụng rơm cho bò ăn, làm nấm, ủ gốc cây thanh long, làm phân vi sinh… thay vì bị bà con đốt đi sau những vụ thu hoạch.
Chiếc xe được nghiên cứu trong nhiều năm dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Máy chạy bằng xích cao su nên hoạt động được cả trên sình lầy và nhiều địa hình khác, khắc phục được một số nhược điểm của các sản phẩm khác đang có trên thị trường như chỉ chạy trên mặt ruộng khô, kích cỡ lớn, khối lượng lớn… Mỗi ngày, 2 công nhân vận hành có thể cuốn rơm được trên 4 ha ruộng, với bộ phận cuộn rơm nằm phía trước, giúp người điều khiển có thể dễ thao tác và điều chỉnh cuộn rơm to nhỏ tùy theo kích cỡ mong muốn. Mỗi cuộn rơm trung bình nặng khoảng 12-15 kg, sàn chứa phía sau có thể chứa được 30 cuộn.
“Hiện giá bán chiếc xe này đang ở mức 286 triệu đồng/chiếc. Với nguồn vật liệu tự thiết kế và sản xuất, cộng thêm hệ thống lốc máy và một số vật liệu khác phải mua, chúng tôi chỉ mất 2 ngày để hoàn thiện 1 xe mới. Gần đây, chúng tôi có đơn hàng của Hợp tác xã Bình Minh (Tiền Giang) với 15 chiếc xe cuốn rơm. Tính đến thời điểm này, Phan Tấn đã xuất bán được khoảng 120 xe”, ông Bện chia sẻ.
Ông Phan Tấn Bện |
Anh Si Pha, thương lái thu mua rơm, cho biết nhu cầu sử dụng xe cuốn khá lớn. “Tôi mua xe chạy thuê cho người có nhu cầu trữ rơm, hoặc tôi trữ rơm để chờ giá bán. Trung bình mỗi ngày tôi chở bán khoảng 1.000 cuộn rơm với giá 2.000-4.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi thu hoạch được 800 cuộn, mỗi cuộn cũng được 14-15 kg. Người có vốn nhiều có thể mua 2 hoặc 3 xe, thu nhập sẽ khá hơn”.
Bên cạnh máy cuốn rơm, hiện Phan Tấn cũng đưa ra được thị trường máy thu hoạch lúa, bắp, đậu xanh “3 trong 1”, chiếc máy được thực hiện với công năng của một máy gặt đập liên hợp và đã được tiêu thụ một số nơi với gần 20 chiếc, hay những chiếc máy vận chuyển nông sản do Phan Tấn đã xuất bán hơn 700 chiếc. Do đặc thù từng thời điểm, việc sản xuất có những cải tiến khác nhau nên giá thành cũng thay đổi. Hiện giá bán máy vận chuyển nông sản khoảng hơn 100-110 triệu đồng, máy thu hoạch “3 trong 1” có giá 360 triệu đồng.
Theo khảo sát của NCĐT, so với giá bán một số máy có công năng tương tự được nhập khẩu, giá máy của Phan Tấn chỉ bằng khoảng 2/3. Đơn cử, máy cuốn rơm nhập khẩu từ Nhật cũng đang ở mức hơn 400 triệu đồng/chiếc nhưng công suất chạy chỉ bằng 1/3 máy của Việt Nam. Anh Si Pha cũng có nhận định rằng, máy của Việt Nam sản xuất có thể đưa ra cuộn rơm chặt và đẹp hơn so với máy của Nhật. Ngoài ra, máy gặt đập liên hợp nhập khẩu khá kén chọn địa hình nên gặp bất lợi trong mùa mưa do dễ bị lún lầy. Trong khi máy của Việt Nam được thiết kế dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương nên cũng hạn chế được những khó khăn này.
So với giá bán một số máy có công năng tương tự được nhập khẩu, giá máy của Phan Tấn chỉ bằng khoảng 2/3. Ảnh: youtube.com |
Bên cạnh những thuận lợi, người đại diện Công ty Phan Tấn cũng chia sẻ thêm những khó khăn trong việc hội nhập. Hiện máy của Phan Tấn mới xuất khẩu được sang 2 nước là Myanmar và Tanzania tổng cộng 12 máy. Nguyên nhân là do Công ty chưa thực hiện được chính sách hậu mãi về việc bảo hành, bảo trì và cung ứng phụ kiện thay thế và sửa chữa. Do đó, Phan Tấn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, ngay cả tại thị trường trong nước, Công ty vẫn còn gặp khó khăn do người dân chưa tin tưởng vào thương hiệu máy móc của Việt Nam sản xuất, mặc dù năng suất cao hơn, giá rẻ hơn. Do đó, ông cũng mong bên cạnh được sự quan tâm hỗ trợ về các chính sách của Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất máy móc nông nghiệp, rất cần thêm sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng. Có như vậy các thương hiệu máy nông nghiệp Việt Nam mới đủ khả năng để cạnh tranh với những thương hiệu ngoại nhập.
Đức Tài