Thứ Năm | 18/10/2012 20:33

Ông Andy Ho: VinaCapital nhắm vào khu vực kinh tế hỗ trợ tiêu dùng

Khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu, chúng tôi không đầu cơ mà nhìn 3-5 năm sau, ông Andy Ho trả lời về việc khi nào thị trường chứng khoán hồi phục.
Hôm nay (18/10), VinaCapital tổ chức Hội nghị thường niên các nhà đầu tư 2012.

Ông Andy Ho, giám đốc điều hành quỹ cho hay, chiến lược đầu tư của VinaCapital là nhắm vào những khu vực kinh tế chính hỗ trợ cho nền kinh tế tiêu dùng của Việt Nam như sản xuất hàng tiêu dùng (Kinh Đô, Vinamilk, Yến Việt) và các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế (bệnh viện Hoàn Mỹ).

“Những công ty đó không phụ thuộc vào biến động của nền kinh tế. Kinh tế đi xuống nhưng trẻ em vẫn phải uống sữa, người già vẫn phải đi khám bệnh”, ông nói.

Chiến lược đầu tư của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) vào cuối tháng 9 là 725,3 triệu USD, tập trung vào những cổ phiếu có mức chiết khấu cao (nhưng có tiềm năng tăng trưởng mạnh như Vinamilk, bệnh viện Hoàn Mỹ), những tài sản bị định giá dưới giá trị thực và các cơ hội M&A.

Tỷ lệ chiết khấu cao giữa giá chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn London và giá trị tài sản ròng (NAV) là mối lo ngại của các nhà quản lý quỹ VinaCapital. Hiện tỷ lệ chiết khấu của VOF lên tới hơn 40% vào cuối năm 2011, do ảnh hưởng của sự đi xuống của nền kinh tế.

Để giải quyết vấn đề đó, VOF đã bỏ ra 51,1 triệu USD để mua vào cổ phiếu quỹ, khiến mức chiết khấu của VOF từ 41,1% (1/11/2011) đến nay còn 28,9% (16/10/2012). Do việc mua lại cổ phiếu quỹ, mức tăng NAV/cổ phiếu là 0,071 USD.

"Khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu, chúng tôi không đầu cơ mà chúng tôi nhìn tới 3-5 năm sau", ông Andy Ho nói khi nhận được câu hỏi khi nào thị trường chứng khoán hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, ngoài VOF, các đầu tư vào bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng của VinaCapital thông qua hai quỹ VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Infrastructure Limited (VNI) không tốt như mong đợi do khủng hoảng của thị trường bất động sản.

Sau khi thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 dự án thoái, VNL hiện còn 36 khoản đầu tư trong danh mục. Tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 17,5% trên NAV/cổ phiếu tính từ khi thành lập vào tháng 3/2006.

“Một chiến lược đầu tư mới đang được VNL xem xét, VNL sẽ không đầu tư mới, tìm cách thoái vốn các dự án và hoàn vốn lại cho cổ đông. Bên cạnh đó VNL sẽ giảm mạnh các khoản chi phí”, ông Don Lam, tổng giám đốcVinaCapital nói.

Còn VNI, quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động thiếu hiệu quả khi giá trị NAV chỉ còn 203,6 triệu USD vào cuối tháng 9/2012, so với tổng số hơn 357,6 triệu USD được đầu tư vào các lĩnh vực chính, bao gồm cả các dự án mới, dự án đình trệ và các tài sản đang khai thác.

Kế hoạch đầu tư của VNI trong thời gian tới là sẽ tiếp tục tiếp tục mua các cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu có tỷ lệ PE thấp,… trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Giá cổ phiếu quỹ của VNI đã đảo chiều và tăng trở lại gần 50% từ đầu năm đến nay. Giá cổ phiếu ở mức thấp nhất (18,5 cent) (tháng 2/2012) tăng lên mức 29 cent (16/10/2012). Mức chiết khấu NAV trên mỗi cổ phiếu quỹ giảm còn 44%, so với mức 50% trước đó.

Nguồn Khampha


Sự kiện