Ông Andy Ho: Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam
Thị trường vốn Việt Nam đang bộc lộ một số yếu kém nhất định, điều này có giảm cơ hội thu hút đầu tư, thưa ông?
Trong vài quý trở lại đây, VN-Index chỉ quanh quẩn ở mức dưới 400 điểm, chỉ số P/E là 9,9 lần, thấp hơn đáng kể so với thị trường tương đương trong khu vực (trung bình 14 lần). Theo tỷ lệ này, nhiều tài sản ở Việt Nam đang được định giá thấp hơn so với thị trường các nước trong khối Asean như mức P/E tại thị trường chứng khoán Philipin là 17,9 lần (2011) và 16,5 lần (tháng 8/2012), con số này ở Indonesia lần lượt là 17,5 (năm 2011) và 14,6 (tháng 8/2012)….
Điều này đã khiến một dòng vốn đầu tư nước ngoài không nhỏ trong thời gian qua đã “chạy” sang các nước lân cận, thay vì đổ vào thị trường Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của sự yếu kém trên thị trường vốn Việt Nam được cho là do tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp, hàng hóa tồn kho cao, lạm phát, lo ngại về nợ xấu ngân hàng, niềm tin… Điều này khiến không ít nhà đầu tư “chùn bước”.
Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh nào đó, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội đầu tư với chi phí vốn thấp. Đặc biệt, dưới sự đánh giá của các nhà đầu tư kinh nghiệm, các tài sản tư nhân được cho là hấp dẫn hơn cả do có thể mua được ở mức thấp hơn trung bình từ 20-30 lần so với giá của tài sản đại chúng.
Và không ít quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tranh thủ được “cơ hội đầu tư với chi phí thấp” tại thị trường Việt Nam?
Thời gian qua, không ít nhà đầu tư ngoại đã tìm đến và có những thương vụ mua bán thành công ở thị trường vốn Việt Nam. VinaCapital cũng là một trong những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường này thông qua những quỹ đầu tư ở một vài lĩnh vực.
Mới đây, Tập đoàn đã đầu tư thêm 13 triệu USD để tăng cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư Hạ tầng VNC-55, đơn vị chuyên doanh về các trạm thu phát sóng điện thoại di động. Hay, bỏ vốn đã đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Và tất nhiên trong bối cảnh hiện tại, theo tính toán chung thì chi phí bỏ ra đầu tư là khá hấp dẫn để sinh lời.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, thời gian qua không ít nhà đầu tư nước ngoài cũng đã “rút chạy” khỏi thị trường?
Chủ yếu đây là các thương vụ thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài do họ đánh giá đã đạt được mức giá thị trường thích hợp. Vì vậy, thoái vốn để thu lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời cũng để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở một thị trường, lĩnh vực mới chứ không hẳn là “rút chạy”.
Có thể ví dụ từ VinaCapital, trước kia từng nắm trong tay 36 hạng mục đầu tư đa dạng từ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phức hợp, nhà ở.... Song trong thời gian qua do thị trường này có nhiều khó khăn nên quỹ đã nhanh chóng thoái vốn hoàn toàn ở 10 dự án và 1 dự án thoái vốn một phần.
Đa phần các quỹ đầu tư quốc tế đều hướng đến chiến lược đầu tư là bảo toàn vốn ở mức tốt nhất trong bối cảnh khủng hoảng cũng như chủ động tìm cơ hội thoái vốn khi đạt mức giá thích hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó các quỹ này cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư trở lại ở những lĩnh vực được cho là có nhiều khả năng sinh lời tại thị trường Việt Nam
Vậy theo ông, lĩnh vực đầu tư nào được đánh giá là nhiều khả năng sinh lời?
Qua nghiên cứu, đánh giá thực tế, một số lĩnh vực được cho là tiềm năng tại thị trường Việt Nam như ngành dầu khí, vận chuyển tăng khoảng 17%, điện tăng 31%, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng 52% (ví dụ ở Công ty Đạm Phú Mỹ)… Vì vậy khi bỏ vốn vào thị trường này sẽ có nhiều khả năng sinh lời cho nhà đầu tư. Mới đây, VinaCapital đã đầu tư 95 triệu USD (thông qua một công ty của Việt Nam) vào 2 nhà máy đường ở Campuchia vừa sản xuất sản phẩm vừa sử dụng nguyên liệu bã mía để sản xuất điện bán cho người dân nước sở tại. Dự kiến, thương vụ này sẽ thu lại kết quả khả quan do nhu cầu về điện ở Campuchia đang tăng trong khi nhà cung cấp còn hạn chế.
Ngay cả như đối với thị trường bất động sản đang được coi là khó khăn tại Việt Nam nhưng với VinaCapital vẫn thành công khi bỏ vốn vào một số dự án nhà ở thấp tầng, khu biệt thự liền kề. Vấn đề là ở chỗ phải biết lựa chọn và đặt kỳ vọng đúng chỗ.
Với kinh nghiệm của nhà đầu tư lâu năm tại thị trường Việt Nam, ông đánh giá nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ điều gì?
Tìm kiếm lợi nhuận và trông chờ tình hình kinh tế sáng sủa hơn là sự mong đợi của đa số nhà đầu tư khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Thoái vốn thành công cũng là chiến lược đặt ra của những nhà đầu tư đã bỏ vốn vào thị trường này.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại mong muốn chung của nhà đầu tư là làm sao VN-Index tăng trưởng đúng với giá trị thực của nó, cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu có tỷ lệ P/E thấp… vẫn là mục tiêu mà các nhà đầu tư ngoại nhắm đến. Ngoài ra, dù khó khăn song vẫn còn nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng danh mục đầu tư ở những lĩnh vực còn nhiều cơ hội và tiềm năng ở Việt Nam...
Nguồn Thời báo ngân hàng