Ông Andy Ho: Kinh tế sẽ sáng sủa hơn về cuối năm
Đó là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital mới đây.
Ông có đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2012?
Trong 6 tháng đầu năm 2012, chúng tôi thấy nền kinh tế Việt Nam nhìn chung đã ổn định và có những tín hiệu khả quan hơn, dù vẫn còn khá dè dặt cho 6 tháng cuối năm. Điều này nghe qua có vẻ khá mâu thuẫn, vì thực tế vẫn có những quan ngại về tốc độ tăng trưởng GDP thấp, sản xuất và lao động suy giảm.
Tuy nhiên đã có 2 trong 3 mục tiêu của chương trình cải cách nền kinh tế do Chính phủ đặt ra được kiểm soát rất tốt, đó là lạm phát và sự ổn định của tiền đồng. Hơn thế nữa, hai mục tiêu này sẽ được giữ vững từ nay đến cuối năm.
Lạm phát được mong đợi sẽ ở mức 1 con số cho tới cuối năm, từ 6-7%. Nếu như vậy, Chính phủ Việt Nam có thể hoạch định tỷ lệ lạm phát cho năm tới ở mức 5-6% và lấy đó làm nền tảng cho sự ổn định kinh tế. Ngân hàng Nhà Nước đã từng dự báo VND sẽ mất giá khoảng 3% so với USD. Cho đến tháng 6/2012, con số này đã giảm xuống đến 2% hoặc thấp hơn.
GDP đã tăng trưởng 4,3% trong nửa đầu năm 2012, thấp hơn tỷ lệ 7,1% trong những năm 2000-2010. Dù vậy, GDP tăng trưởng chậm là hệ quả tất yếu diễn ra bởi tác động từ nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Chúng tôi mong đợi các hoạt động kinh tế sẽ cất cánh trong quý III và đặc biệt là quý IV, vốn là thời điểm sản xuất và tiêu dùng đều tăng cao. Hiệu quả của các biện pháp tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế Chính phủ đã thực hiện sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm nay.
Tháng 6, chỉ số CPI đã giảm 0,26% so với tháng trước và CPI tiếp tục giảm 0,29% trong tháng 7. Trước đó, 3 tháng liên tiếp CPI tăng ở mức thấp. Theo ông, việc CPI giảm có phải là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát không? Nếu có, liệu đây có phải là một dấu hiệu xấu đối với nền kinh tế?
Tôi không nghĩ nền kinh tế chúng ta đang đi theo hướng giảm phát. Chỉ số CPI giảm trong tháng 6 và tháng 7 là hệ quả từ việc Chính phủ giảm giá bán xăng dầu.
Hiện nay, với các chính sách tài khóa đang thực hiện, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm, nhất là trong quý IV, và gây áp lực nhất định lên giá cả hàng hóa. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến khích tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 8-10% trong 6 tháng tới. Do đó, chúng tôi không nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm phát trong năm 2012. Sau khi đạt đỉnh 23% vào tháng 8/2011, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống còn một con số vào cuối năm nay.
Ông có dự báo gì về vĩ mô 6 tháng cuối năm?
Dù khá thận trọng, chúng tôi vẫn lạc quan rằng nền kinh tế sẽ sáng sủa hơn trong 6 tháng cuối năm.
Liên quan đến GDP, chúng ta có thể thấy những biện pháp tài khóa được thực hiện dưới dạng cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư công đã được thực hiện mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Thâm hụt ngân sách cũng không có những hệ quả xấu, vì 120 nghìn tỷ đồng được giải ngân vừa qua, nay đã có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng. Quý I và II đã qua đi và Chính phủ hiện đang nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ GDP ở nửa cuối năm 2012 bằng cách chuyển ưu tiên chính sách theo hướng thúc đẩy tăng trưởng.
Lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát và GDP dự kiến tăng trong mức vừa phải trong nửa cuối năm 2012. Việc Chính phủ tiếp tục kiểm soát tín dụng và cung tiền, vốn là hệ quả của lạm phát cũng đang nới lỏng dần. Chúng tôi dự đoán tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10% năm nay, còn lạm phát chỉ ở mức một con số không chỉ cho năm 2012 mà còn cho năm tới.
Tỷ giá hối đoái cũng sẽ ổn định trong nửa cuối năm. Sáu tháng qua, cán cân thanh toán đang thặng dư và lượng dự trữ ngoại tệ chính thức của Ngân hàng Nhà nước đang gấp đôi so với cuối năm 2011, đạt khoảng 19 tỷ USD (tương đương với giá trị nhập khẩu trong 10 tuần liên tục). Và sẽ còn tăng lên nữa vì một lượng ngoại tệ lớn đang được mua vào từ thị trường tự do.
Sang quý III và quý IV, chúng tôi dự đoán VND sẽ chịu một vài áp lực nhưng những yếu tố thời vụ này không còn xa lạ với Ngân hàng Nhà nước, và họ có đủ các nguồn lực để kiểm soát tình hình. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang làm đúng những gì ông đã hứa, là sẽ giữ mức giá VND chỉ giảm 2% cho đến cuối năm.
Trong bối cảnh này, ông dự báo tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao? Hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nói chung cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang ở mức độ nào, thưa ông?
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai với giá trị thị trường thấp và công cụ đầu tư còn đơn giản. Do vậy, trong tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.
Nhìn chung, hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất quan tâm đến các thị trường giống như Việt Nam. Chúng ta vẫn thấy các dòng tiền đầu tư mới tham gia vào thị trường trong thời gian qua, đặc biệt là các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng như sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp và dịch vụ bán lẻ.
Trong 6 tháng qua, quỹ VinaCapital đã đạt được kết quả như thế nào? Sắp tới, VinaCapital có hoạt động gì mới không?
Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund hoạt động khá tốt với tỷ lệ tăng NAV/chứng chỉ quỹ đạt 9,1% trong 6 tháng vừa qua.
Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm các dự án đầu tư tiềm năng để giải ngân trong thời gian sắp tới.
Nguồn Vietstock