Ảnh: nld.

 
Bá Ước Chủ Nhật | 13/10/2019 10:48

Ổn định như tiền đồng

Lần lượt các tổ chức trong và ngoài nước đều tin vào sự ổn định của tiền đồng, bất chấp làn sóng mất giá của đồng tiền các nước trong ASEAN...

Hiện tượng hiếm khi xảy ra

Trong báo cáo chiến lược tháng 8 của mình, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS) đánh giá việc USDVND gần như không thay đổi so với giai đoạn đầu năm, là một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra đối với tiền đồng (VND) vì quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc. 

Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá trung tâm có mức tăng 1,5% trong khi tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.

Còn dưới góc nhìn của công CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có hai nguyên nhân chính giúp VND trụ vững, không bị mất giá theo NDT. Thứ nhất, cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại trạng thái xuất siêu mạnh trong quý III (đạt 4,28 tỷ USD), giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Thứ hai, mặc dù xuất hiện sức ép phải giảm giá VND nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu khi NDT giảm giá nhưng rủi ro Việt Nam bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ đã khiến việc bơm tiền Đồng, mua ngoại tệ của NHNN diễn ra thận trọng hơn.

Trong 3 tháng cuối năm, BVSC cho dự báo VND nhiều khả năng sẽ giảm giá trở lại so với USD do cán cân thương mại có thể sẽ giảm bớt xuất siêu trong quý cuối năm và diễn biến khó lường của xung đột thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, sức ép giảm giá VND được nhận định chung là không lớn. Về tổng thể, BVSC dự báo mức mất giá của VND cho cả năm 2019 sẽ dưới 2%.

Ngay cả tổ chức nước ngoài cũng tin vào sự ổn định của tiền đồng

Các nhà phân tích của Fitch Solutions (gọi tắt là Fitch, đơn vị nghiên cứu vĩ mô của tổ chức dịch vụ tài chính Fitch Group) duy trì quan điểm rằng tiền đồng vẫn sẽ ổn định trong phần còn lại của năm 2019 và có thể sẽ chỉ yếu đi đôi chút trong năm 2020. Tổ chứcnày nêu ra 3 lý do cho nhân định của mình...

Dự báo USDVND từ nay tới 2021 của Fitch.
Dự báo USDVND từ nay tới 2021 của Fitch.

Đầu tiên, Fitch kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn chảy mạnh vào nền kinh tế trong những tháng tới. Khi các doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Fitch Solutions kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước hưởng lợi mạnh mẽ của sự thay đổi này, vì đất nước môi trường kinh doanh tích cực, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp và tương đối trẻ.

Phần lớn dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất do di dời chuỗi cung ứng. Dù vậy, tổ chức đánh giá tín dụng này lại nêu ra một nguồn thu hút FDI khác, nó đến từ những quan ngại rằng cơ sở hạ tầng Việt Nam đã quá tải. Dưới góc nhìn của mình, Fitch tin rằng tắc nghẽn cơ sở hạ tầng ngày càng tăng cũng sẽ tạo ra cơ hội và từ đó thu hút vốn đầu tư vào ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng trong những tháng tới. Ngoài ra, Fitch cũng kỳ vọng việc tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đồng pha với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bán lẻ.

Thứ hai, Fitch dự báo rằng các doanh nghiệp nhập khẩu có thể sẽ tăng mua USD trong những tháng tới. Với quy định sửa đổi được công bố vào tháng 8, các ngân hàng thương mại sẽ không còn cung cấp các khoản vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài, đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, bắt đầu từ tháng 30/9/2019. Động thái này là nhằm giảm thiểu tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và cải thiện việc truyền tải chính sách tiền tệ. Và với quy định mới, Fitch cho rằng các nhà nhập khẩu nội địa sẽ phải vay VND và mua USD để thực hiện nghĩa vụ thanh toán với các đối tác nước ngoài.

Dòng vốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất cũng như vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến Fitch tin rằng nhập khẩu có thể sẽ tăng cùng với xuất khẩu, khi mà USD là phương tiện thanh toán chủ yếu trong giao dịch toàn cầu, điều này khiến nhu cầu USD từ các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng lên. Fitch hàm ý về sự cân bằng giữa cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế, yếu tố quan trọng cho sự ổn định của tỷ giá.

Thứ ba, với dữ liệu mới nhất cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 63,9 tỷ USD trong tháng 5 - tương ứng với 3 tháng nhập khẩu, Fitch Solution tin rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có đủ dự trữ ngoại hối để tiếp tục can thiệp tích cực để đảm bảo ổn định tiền tệ, điều này cho thấy tiền đồng nhiều khả năng chỉ biến động tối thiểu trong những tháng tới.

Về tương lai, Fitch kỳ vọng rằng tiền đồng sẽ tiếp tục xu hướng mất giá dần so với đồng USD do lạm phát cơ cấu tại Việt Nam cao hơn Mỹ và do điều mà tổ chức này cho là VND đang được định giá cao. Fitch dự báo tỷ giá USDVND sẽ đạt mức trung bình 23.650 vào năm 2021.