Vân Nguyễn Thứ Ba | 04/09/2018 13:44

ODA: Chính phủ vay và phân bổ hay địa phương tự vay làm dự án?

Bộ Kế hoạch Đầu tư: ODA liên quan đến trần nợ công, nên phải cân đối, xem xét đối với từng dự án

→ODA đội vốn và “bẫy ưu đãi”

Tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Vấn đề đặt ra: Chính phủ sẽ tiếp tục đứng ra vay tiền phân bổ cho địa phương thực hiện dự án hay giao cho các địa phương tự vay vốn để làm các dự án?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tTháng 8, cho biết, những vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy mô đều phải theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hơn nữa, phải xác định rõ nguồn vốn phần nào của Ngân sách Trung ương, phần nào của địa phương, không phải mọi dự án tăng vốn đều là Chính phủ đứng ra vay tiền cho địa phương triển khai, theo ông Trung.

Ông Trung cho rằng, ODA liên quan đến trần nợ công nên phải cân đối, xem xét đối với từng dự án sử dụng nguồn vốn này. Do đó, cả dự án quan trọng quốc gia cũng như dự án địa phương đều phải nằm trong trần nợ công cho phép.

ODA: Chinh phu vay va phan bo hay dia phuong tu vay lam du an?
 


Bộ này cũng xác định có 4 nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án trên: Thời gian bàn giao mặt bằng bị kéo dài; biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và tăng lương tối thiểu; tăng khối lượng xây dựng và năng lực của tư vấn kém.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong văn bản về ODA và vốn vay ưu đãi gửi Thủ tướng Chính phủ, đã cho biết có 5 dự án đường sắt đô thị, tại Hà Nội và TP.HCM, đội vốn 132 nghìn tỷ đồng. Liên quan đến 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn 132 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, giải thích rằng việc đội vốn là do phê duyệt ban đầu và việc điều chỉnh tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể, dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỷ đồng. 

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng. 

ODA: Chinh phu vay va phan bo hay dia phuong tu vay lam du an?

Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng. 

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng. 

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR, nghĩa là đội vốn 393 triệu EUR, tương đương khoảng 10.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 của TP.HCM và Tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) của thành phố Hà Nội hiện cũng đang trong quá trình điều chỉnh dự án.

Trong bối cảnh các dự án ODA đội vốn, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã ký kết được 4 hiệp định với vay ODA với tổng trị giá 193,2 triệu USD. Ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi bằng 21% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.