Ô tô Trường Hải nộp đơn xin giãn 1.200 tỷ đồng thuế
Nguyện vọng này của doanh nghiệp đã được sự đồng thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, Trường Hải và tỉnh Quảng Nam mong Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải là chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong 1 năm với số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng, kể từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014.
4 công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai – Trường Hải; Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô khách Trường Hải; Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – Kia; Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô Vina-Mazda. |
Riêng Trường Hải được cho là còn tồn lượng hàng lên đến hơn 3.300 tỷ đồng và hiện đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. Tình hình sản xuất được mô tả là đang cầm chừng, cho lao động nghỉ luân phiên nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, trong khi triển vọng thị trường phía trước cũng không sáng sủa gì.
Phía tỉnh Quảng Nam còn muốn nhấn mạnh, Công ty Trường Hải là doanh nghiệp ô tô non trẻ, nếu không đầu tư phát triển, tiếp cận công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh chạy đua cho kịp lộ trình cam kết giảm thuế khi hội nhập hoàn toàn vào AFTA thì “sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm”...
Bộ Tài chính thấy "thuận cả tình và lý"
Về đề xuất này, một lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận, bộ này đã nhận được các văn bản kiến nghị của Quảng Nam cũng như của Trường Hải. Theo vị này, chiểu theo các quy định hiện hành thì việc xem xét gia hạn nộp thuế trong trường hợp trên là khả thi, kể cả với khoản tiền lên đến 1.200 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì người nộp thuế có quyền được gia hạn nộp thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt. Thẩm quyền gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng cho phép Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, theo vị này việc xem xét cho gia hạn thuế đối với Trường Hải cũng là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện cũng như cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, Bộ đã chấp thuận đề nghị gia hạn nộp 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải và chính thức có văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tuy vậy bộ này đưa ra 4 điều kiện là: phải có bảo lãnh của ngân hàng thương mại; việc gia hạn nộp thuế này không áp dụng cho các tờ khai nhập khẩu ô tô nguyên chiếc; Công ty phải có cam kết sử dụng tiên thuế được gia hạn để đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ ô tô Chu Lai – Trường Hải, đầu tư phát triển sản xuất phụ trợ…; Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm quản lý đảm bảo sử dụng đúng mục đích.
Trường Hải hiện là doanh nghiệp ô tô sở hữu các dòng xe như Mazda, Kia. Theo giới thiệu của Trường Hải, thì từ năm 2003 Trường Hải đã đầu tư, xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất lắp ráp ôtô tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tính đến nay, đã đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích gần 600 hecta.Ngoài hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô, Trường Hải còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư và xây dựng địa ốc. “Đây cũng chính là hướng phát triển mới của THACO, tham gia thử nghiệm kinh doanh địa ốc, từng bước thực hiện chiến lược phát triển THACO thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN”, Công ty này giới thiệu tổng quan. |
Nguồn Phapluatvn.vn