Ô nhiễm không khí: Thấp thỏm thở!
Từ lâu, chiếc khẩu trang đã trở thành một vật dụng không thể thiếu của người dân khi ra đường tại các đô thị lớn. Hình ảnh các cô, các chị trở thành những “Ninja” đường phố, trùm kín từ đầu đến chân khi ra đường không còn xa lạ. Điều này phản ánh thực trạng tại các đô thị, nơi mà phát triển kinh tế đang phải đánh đổi bằng sự đi xuống về chất lượng sống, dễ thấy nhất là ô nhiễm không khí.
Năm ngoái, thông tin Hà Nội đang đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á đã làm nhiều người lo sợ. Theo nghiên cứu của Đại học Yale đánh giá ô nhiễm không khí dựa trên chỉ số PM2,5 (loại bụi mịn có đường kính ≤ 2,5 micromet, có thể đi thẳng vào phổi), chỉ số này của Việt Nam xếp 170/180 các nước khảo sát. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ GreenID cho thấy nồng độ bụi PM2,5 của Hà Nội cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy thấp hơn nhưng con số này tại TP.HCM cũng cao gấp 2 lần mức khuyến cáo. Các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam được các chuyên gia xác định gồm: các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, ô nhiễm xuyên biên giới.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM, ô nhiễm không khí tại TP.HCM chủ yếu do bụi lơ lửng từ phương tiện giao thông. Thống kê gần đây cho thấy, TP.HCM đang là thành phố nhiều xe máy nhất thế giới với hơn 7,3 triệu chiếc và hơn 600.000 ô tô, ước tính tiêu thụ hơn 4 triệu lít nhiên liệu/ngày. Đáng chú ý, những chiếc xe cũ, quá đát là nguyên nhân không nhỏ gây ra ô nhiễm. Hơn 2,5/6 triệu xe máy quá hạn sử dụng tại Hà Nội đang được chính quyền đề xuất hỗ trợ thu hồi nhằm giảm thiểu nạn ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng, theo lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM), lo ngại chất lượng không khí sẽ khó cải thiện trong bối cảnh dân số, phương tiện giao thông và các hoạt động kinh tế ngày càng tăng. Đề xuất giải pháp, ông cho rằng cần kiểm soát phát thải từ xe gắn máy và xe cơ giới, các hoạt động sản xuất công nghiệp, từ đó tiến tới kiểm soát các nguồn phát thải lớn.
Nguyên nhân ô nhiễm không khí thứ hai tại TP.HCM là hoạt động của các nhà máy công nghiệp ở ngoại thành hoặc ngay trong nội thành như Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, các nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy thép Thủ Đức... Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành năm 2014, trong 170 nhà máy, cơ sở sản xuất phát sinh khí thải, có tới 81 cơ sở sản xuất mì ăn liền, hóa chất, dệt nhuộm... chưa có hệ thống xử lý khí thải.
Một đặc trưng phát triển trong giai đoạn năm 2011-2015 là nguyên nhân ô nhiễm không khí đến từ các nhà máy nhiệt điện. Đây cũng là lý do giải thích ô nhiễm không khí ở khu vực phía Bắc cao hơn phía Nam khi các nhà máy nhiệt điện chủ yếu tập trung ở khu vực này. Gây ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái biển, tác nhân gây nên mưa axit, ô nhiễm không khí sống buộc người dân phải di dời... Những thông tin về mặt trái của các nhà máy nhiệt điện trước còn xa lạ với người dân thành thị, thì vài tuần qua, những nguy cơ này trở nên sát sườn với người dân TP.HCM trước thông tin một nhà máy nhiệt điện có thể được đầu tư tại Long An, đem đến nguy hại khó lường về phát tán bụi, xả thải tro xỉ than và nước thải công nghiệp.
Một phần nhỏ nhưng vẫn đáng kể là ảnh hưởng trực tiếp của các hoạt động xây dựng, đô thị, nhà ở, cầu đường, đào lấp đường lắp đặt cáp... đến ô nhiễm không khí là hệ quả tất yếu của phát triển đô thị hóa. Hậu quả của ô nhiễm không khí không chừa một ai. Nghiên cứu tại hơn 3.000 địa điểm trên toàn cầu của WHO chỉ ra mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó nguy hiểm nhất tại Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia. Báo cáo này chỉ ra cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở không khí kém chất lượng và là nguyên nhân của hơn 6 triệu cái chết mỗi năm.
Về mặt xã hội, World Bank cho biết ở Đông Nam Á, thất thoát phúc lợi xã hội liên quan đến ô nhiễm không khí làm suy giảm 7,5% tăng trưởng GDP. Một cách tương quan, nghiên cứu tại Việt Nam của Tiến sĩ Lê Việt Phú ước tính 40.000 người tử vong trong năm 2013 vì ô nhiễm bụi PM2,5, nếu quy ra thiệt hại về phúc lợi xã hội tương đương thiệt hại 5-7% GDP. Ông Phú cho biết thêm, bên cạnh những thiệt hại kinh tế thấy được, thì hư hại về giá trị văn hóa, lịch sử, sự sống ở các khu bảo tồn sinh quyển, các công trình bất động sản, mùa màng bị tổn thất... là những giá trị phi kinh tế có thể xảy ra.
Tại một diễn đàn doanh nghiệp cuối năm 2016, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, cho rằng chỉ số ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tăng nhanh đã khiến cho nhiều doanh nhân không dám đưa gia đình đến đây để sinh sống, ảnh hưởng phần nào đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết nhà đầu tư lớn nhất của Quỹ đã thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam vì thị trường này thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục về bảo vệ môi trường.
Với 1,6 triệu người chết/năm do ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, tuần qua, Bắc Kinh đã đóng cửa tổ máy cuối cùng của nhà máy nhiệt điện Hoa Năng, đưa thành phố này thành đô thị đầu tiên tại Trung Quốc chấm dứt hoạt động sản xuất điện từ than đá, vốn là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ô nhiễm không khí khủng khiếp trước nay. Phải chăng đó là bài học cho Việt Nam để mở đường cho những dự án năng lượng tái tạo thay vì chấp nhận cái giá môi trường quá lớn khi tăng trưởng nóng về kinh tế? Trong khi chờ đợi quyết sách từ Chính phủ, mỗi người dân đang phải tự bảo vệ mình bằng những chiếc khẩu trang và đóng kín cửa nhà im ỉm để tránh khói bụi.
Lan Anh