“Nút thắt” tài sản bảo đảm
Trong xử lý nợ xấu, việc thị trường đi xuống khiến việc bán tài sản bảo đảm trở nên khó khăn, đặc biệt là do chính tài sản bảo đảm có vấn đề khiến không thể bán được là bài toán khó không thể giải quyết một sớm một chiều.
Tài sản bảo đảm có như không Trong hệ thống ngân hàng, các khoản vay tín chấp chỉ được cung cấp cho một số đối tượng khách hàng và với hạn mức nhất định. Về cơ bản các khoản vay phải có tài sản bảo đảm để ngân hàng có thể xử lý, thu hồi nợ khi có rủi ro xảy ra. Nếu theo đúng nguyên lý này thì phần không nhỏ nợ xấu của ngân hàng sẽ phải xử lý được dù tỷ lệ thu hồi đến đâu còn phải xem xét tình hình thị trường. Tuy nhiên, dù chưa có thống kê chính thức và chỉ nhìn ở các vụ việc đã xảy ra thì dường như nguy cơ nợ xấu không thể xử lý khá lớn. Đơn cử như trường hợp dở khóc dở cười của một ngân hàng khi nhận thế chấp nhà xưởng, khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng nắm giữ tài sản bảo đảm và toàn quyền xử lý. Chỉ có điều ngân hàng không cách nào xử lý được. Bởi lẽ DN chỉ thế chấp nhà xưởng trong một khu công nghiệp. Ngân hàng chỉ có quyền với nhà xưởng mà không có quyền với đất, có bán cũng không ai mua vì mua về biết “bê” đi đâu. Trong khi đó, ngân hàng còn bị khu công nghiệp giục xuống lấy tài sản về, trả đất để họ còn cho thuê tiếp. Đương nhiên, khoản vay coi như mất trắng. Hay như hàng loạt nhà đất được thế chấp trong ngân hàng nhưng thực chất là “sổ đỏ giả, phôi thật” trong các vụ án lừa đảo được phát hiện gần đây. Các đại gia này đã làm hàng chục sổ đỏ giả, thành lập nhiều pháp nhân khác nhau, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa rồi đem cầm sổ đỏ cho ngân hàng, vay tiền để kinh doanh nhưng thực chất là lừa đảo lấy tiền ngân hàng tiêu xài. Đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá, nếu lỡ “cầm nhầm” giấy tờ giả, ngân hàng sẽ chịu thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng dù các giao dịch này không nhiều nhưng đều có giá trị rất lớn. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như là vụ án điển hình cho dạng này, các đối tượng đã làm giả hợp đồng tiết kiệm, giấy tờ xác nhận số dư tại một ngân hàng rồi đem đi thế chấp tại các ngân hàng khác. Xử lý Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế có 72% dư nợ có tài sản bảo đảm, trong đó 66% là bất động sản, trong 4,9% nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng có trên 80% nợ xấu này có tài sản bảo đảm và trong số này có 57% là bất động sản. Nếu xử lý khối tài sản bảo đảm thì việc xử lý nợ xấu sẽ có chuyển biến nhanh chóng và tích cực và trong thời gian tới việc khôi phục thị trường bất động sản rất quan trọng bởi với tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản cao như vậy nếu thị trường vẫn trong tình trạng đi xuống và ít giao dịch, ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm. Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - chứng khoán - Đầu tư cho biết, cách thức nước Mỹ xử lý nợ xấu trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008 về nguyên lý có phần nào giống những gì chúng ta đang muốn làm: Mua lại các tài sản có vấn đề, bán lại hoặc nắm giữ tùy thuộc từng loại tài sản để giúp cho thị trường không rớt giá tiếp và khi thị trường phục hồi sẽ có cơ hội bán ra các tài sản ở mức giá gần với giá trị thực nhất. Liệu việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam có thể áp dụng cách thức trên hay không và hiệu quả đến đâu còn cần nhiều đánh giá của giới chuyên môn. Tuy nhiên, thực trạng các tài sản có vấn đề, các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có lẽ có nhiều đặc thù khác biệt và đến nay chưa được đánh giá nào làm rõ. Như vậy, có thể thấy việc xử lý nợ xấu được đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào thực trạng các khoản nợ, các tài sản đi kèm bởi khi không có tài sản bảo đảm, khách hàng phá sản thì ngân hàng chỉ có thể chấp nhận mất vốn mà không có cách nào xử lý được.