Thứ Tư | 24/02/2016 09:00

Nước Mỹ và cuộc đua đến thị trường 2.400 tỉ USD của khối ASEAN

Trong 2 năm gần đây, Mỹ đã tăng tốc rót vốn vào ASEAN. Tổng vốn FDI đổ vào khu vực đạt 226 tỉ USD (2014), tăng 165% so với năm trước đó.

Năm 2015 khép lại với sự ra đời của một cộng đồng kinh tế chung mới. Đó là cộng đồng kinh tế chung các nước Asean (AEC) với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên. Cùng với các nền kinh tế lớn khác, ASEAN cũng đã trở thành một thị trường chung đầy hấp dẫn với vị trí chính trị đặc biệt, quy mô kinh tế cùng thị trường tiêu dùng rộng lớn.

Các thành viên AEC hiện được xem là căn cứ sản xuất mới, là trung tâm sản xuất hàng hóa được lấy đầu vào từ Trung Quốc và đầu ra là các nước phát triển khác, trong đó có Mỹ. Thực tế, ASEAN nhập khẩu ròng từ Trung Quốc và là khu vực xuất khẩu ròng sang Mỹ.

Nếu Trung Quốc là láng giềng lớn của ASEAN, nền kinh tế khu vực này cũng được hưởng lợi từ chất lượng quan hệ với Mỹ ngày càng được nâng cao. Trong 2 năm gần đây, Mỹ đã tăng tốc rót thêm vốn vào khu vực ASEAN. Tổng lượng vốn FDI đổ vào khu vực lên đến 226 tỉ USD (2014), tăng trưởng đến 165% so với năm trước đó. ASEAN hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ, đạt giá trị giao dịch song phương 254 tỉ USD trong năm 2014.

Mỹ cũng vừa có bước đi mới nhất trong chuỗi nỗ lực tiếp cận AEC, một thị trường chung trị giá 2.400 tỉ USD. Lần đầu tiên diễn ra trên đất Mỹ, hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và thành viên các nước ASEAN vừa kết thúc sau 2 ngày nhóm họp vào tuần trước với nhiều dư âm. Một trong số đó là sự thân thiện giữa các nguyên thủ quốc gia với nhau. Có thể kể đến bức ảnh mà Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đã đưa lên mạng xã hội. Ðó là bức ảnh chụp cùng với Thủ tướng Việt Nam, Campuchia và Ngoại trưởng Lào. Các nguyên thủ quốc gia này gặp gỡ nhau nhưng không thắt cà-vạt.

Mặc dù có vẻ thân thiện, thoải mái, nhưng câu chuyện mà họ trao đổi với nhau lần này lại không hề dễ chịu. Những vấn đề thảo luận đều được xem là mang tính lịch sử, với nội dung bao gồm rất nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, an ninh và biến đổi khí hậu. Những vấn đề về kinh tế cũng nhận được nhiều sự quan tâm bởi gắn liền với sự kiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được thỏa thuận chung thời gian gần đây.

TPP được xem là một siêu hiệp định với sự tham gia của 12 quốc gia, chiếm 40% sản lượng và 25% quy mô xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới. Điều đáng nói là TPP không có mặt Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Tuy nhiên, nếu cộng cả Nhật, quốc gia rót nhiều tiền nhất vào ASEAN, thì TPP lại trở thành đối tác quan trọng số 1 của ASEAN về lượng vốn đầu tư lẫn giá trị thương mại.

Có thể nói, các quốc gia ASEAN hiện đang đứng giữa 2 cực kinh tế khổng lồ. Nội bộ ASEAN cũng chưa hoàn toàn đồng ý với TPP. Hiệp định vừa mới được ký kết này vẫn đang chờ sự phê chuẩn của từng nước thành viên. Cùng với Mỹ, hiện Malaysia, Việt Nam, Brunei và Singapore đã là các thành viên sáng lập TPP. Còn Indonesia, Philippines và Thái Lan vẫn đang để ngỏ khả năng gia nhập.

Chính vì thế, hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để thuyết phục các thành viên ASEAN chưa tham gia vào TPP. ”Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm thoại sẽ khẳng định vai trò tích cực của TPP đối với việc mở rộng quan hệ thương mại và khuyến khích quá trình phê chuẩn của các nước thành viên”, nhà kinh tế học thương mại Doug Lippoldt của HSBC bình luận.

Trong khi đó, Mỹ hiện đang kỳ vọng rất nhiều vào TPP. Tổng thống Barack Obama đã có 7 lần đến thăm các quốc gia ASEAN, nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào khác trong lịch sử.

Thật sự, mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đang ngày càng gần gũi sau nhiều nỗ lực tiếp xúc trong gần 40 năm qua. Lần gần đây nhất, tháng 11.2015, Mỹ và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 ở Kuala Lumpur (Malaysia). Trước đó, 2 bên đã nhiều lần ký kết các hiệp ước thiết lập quan hệ sâu rộng hơn từ năm 2005 cho đến nay.

Hội nghị thượng đỉnh nêu trên cũng vừa kết thúc với 17 nguyên tắc chung về các chủ đề khác nhau, gồm cả các vấn đề về kinh tế. Tất cả đều thừa nhận tầm quan trọng của việc theo đuổi chính sách dẫn tới “những nền kinh tế năng động, cởi mở và có tính cạnh tranh”. Các bên đang kỳ vọng vào sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thông qua việc cải tiến, kết nối và hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tinh thần sáng nghiệp, để từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tất nhiên, sau những thảo luận chung, thị trường vẫn mong chờ những bước đi cụ thể. HSBC đang kỳ vọng vào sự cải thiện thương mại 2 chiều. “Tình hình thương mại có thể được cải thiện, nếu như các lãnh đạo có thể hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược thành những hành động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại”, báo cáo của HSBC viết.

Việt Dũng