Nước mắm Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc và hấp dẫn người tiêu dùng thế giới. Ảnh: 152
Nước mắm Việt “đắt hàng” trên Amazon
Con đường đến sàn thương mại điện tử Amazon
Suốt 2 tháng vừa qua, thương hiệu Ma Mi đứng đầu danh sách sản phẩm nước mắm bán chạy nhất trên Amazon, vượt qua các đối thủ mạnh, lâu đời từ Thái Lan và Việt Nam khác. Trước đó, trong tháng 4 và 5, doanh nghiệp bán hơn 18.000 sản phẩm cho người tiêu dùng toàn cầu thông qua nền tảng này. Ông Lê Bá Linh, cho biết đã tập trung đầu tư cho digital marketing. Đặc biệt, doanh nghiệp sẵn sàng nhận hàng đổi trả với bất cứ lý do gì, nhằm đảm bảo mức độ hài lòng cao nhất cho từng khách hàng.
Trong một lần đi triển lãm thế giới, ông Linh rất ấn tượng vì rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp lớn Việt Nam đều có bán tại các siêu thị này. Khi đi ngang qua gian hàng nước mắm, ông Linh vô cùng bất ngờ khi thấy có 1 nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đang bán số 1 trên thương mại điện tử (TMĐT) Amazon cũng bán tại đây. Ông chủ siêu thị hỏi ông Linh là có làm được sản phẩm nước mắm như thế này không, và ông Linh nói có, đó là năm 2008. Đến năm 2010, công ty ông Linh đưa sản phẩm sang Mỹ nhưng bị trả về, do người tiêu dùng Mỹ “thẩm định” chưa đạt chất lượng.
Sau khi rút kinh nghiệm, công ty cũng đã làm được tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua các đợt kiểm tra của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), công ty xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tại đây sản phẩm của công ty lại đối mặt với thách thức mới là phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Thái Lan. Đang xuất khẩu tốt, năm 2017 bỗng rộ lên thông tin asen có trong nước mắm, khiến công ty chuẩn bị ký hợp đồng xuất khẩu 100 container bị ngưng lại. Đối tác cho rằng, tất cả các thực phẩm xuất phát từ biển Việt Nam đều bị nhiễm asen.
Đến nay, 70% người tiêu dùng sử dụng nước mắm Ma Mi ở nước ngoài là người da trắng. Ảnh:152 |
“Đã đổ tiền bạc, công sức để đầu tư, trải qua bao nhiêu gian nan, đến lúc sắp gặt hái thành quả, thì bất ngờ bị một cú từ đâu giáng xuống, đã bắt buộc lãnh đạo công ty phải thay đổi, nắm bắt xu thế, thời cuộc và thương mại điện tử là một lựa chọn.
May mắn, năm 2018 Bộ Công thương đã chọn những công ty đã từng xuất khẩu qua Mỹ để làm việc, đưa hàng xuất khẩu qua thương mại điện tử Amazon. Sau khi đánh giá của Amazon và Bộ Công thương, công ty tôi đã được lên sàn thương mại điện tử Amazon. Đáng nhớ nhất là khi đó chúng tôi xếp ở vị trí hơn 1.000, nhưng đến nay chúng tôi đứng ở vị trí số 1 trên thương mại điện tử Amazon”, ông Linh cho biết.
Nói về sự thành công khi bán hàng trên thương mại điện tử để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, ông Linh chia sẻ với các doanh nghiệp, sau khi được chọn bán hàng trên thương mại điện tử, không phải doanh nghiệp mang hàng đến thì hàng tự động “chạy” mà doanh nghiệp cũng phải hoạt động như offline.
“Chúng tôi thuê hẳn một công ty riêng giúp chúng tôi làm maketting, theo dõi và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cứ trăn trở với suy nghĩ, tại sao Thái Lan đứng số 1 trên thương mại điện tử Amazon với mười mấy nhãn hiệu. Cuối cùng chúng tôi đã thay đổi cách bán hàng, xưa nay mình hướng người tiêu dùng nước mắm là chấm, nay mình truyền thông theo cách nước mắm còn là gia vị, ướp, nấu và kết quả thật bất ngờ, người da trắng rất thích” và sữ dụng trong các món như cừu nướng, pizza, mỳ pasta... ông Linh cho biết thêm.
Đưa nước mắm truyền thống ra thế giới
Theo các các doanh sản xuất nước mắm truyền thống, nghề nước mắm truyền thống Việt Nam đã hình thành và phát triển trong 300 năm qua và đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Với mỗi người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, nước mắm đó là hương vị, là “mùi” của quê hương.
Nước mắm truyền thống tại thị trường trong nước hiện chỉ chiếm khoảng hơn 20% thị phần. Ảnh: Honghanh |
Ông Trần Hữu Hiền, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảy Hồng Hạnh (nước mắm Bảy Hồng Hạnh), chia sẻ: Thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có 3 vùng sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng, đó là Phú Quốc, Bình Thuận và Nha Trang. Mỗi vùng có một cách ủ chượp, chưng cất khác nhau để cho ra những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Chẳng hạn như ở Phú Quốc, cá cơm tươi vừa kéo lên khỏi biển là ủ chượp ngay với muối, đưa về thùng, sau 12 tháng sẽ cho ra nước mắm có màu nâu đỏ cánh gián; Ở Nha Trang, cá cơm đánh bắt khi đưa vào bờ mới chượp muối, thời gian 3-6 tháng cho ra sản phẩm nước mắm có màu vàng nhạt... Nước mắm Phú Quốc có 45-46 độ đạm, các vùng sản xuất nước mắm khác tối đa 30 độ đạm.
Nước mắm truyền thống tại thị trường trong nước hiện chỉ chiếm khoảng hơn 20% thị phần (khoảng 3.000 cơ sở khắp các vùng miền), còn lại là thị phần của nước mắm công nghiệp. Ở nước ngoài, nước mắm truyền thống có mặt tại nhiều thị trường khó tính trong khu vực và thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc...
Tại châu Âu, nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và với Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì sản phẩm này cũng sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường châu Âu.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lê Gia (nước mắm Lê Gia) cho rằng, để đưa sản phẩm ra thị trường chinh phục người tiêu dùng thế giới, cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tiếp đó tìm đến kênh phân phối để kết nối. Hiện, công ty Lê Gia đang xuất khẩu nước mắm truyền thống Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Tại châu Âu, nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và với Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì sản phẩm này cũng sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường châu Âu. Ảnh:legia |
Điều mà các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trăn trở đó là nước mắm truyền thống Việt Nam có tiếng trên thị trường thế giới nhưng thị phần xuất khẩu lại thuộc về tay của Thái Lan. Trong khi đó, người Thái không sản xuất được nước mắm truyền thống như Việt Nam, doanh nghiệp Thái cũng đã mua nước mắm cốt của Việt Nam để về chế biến. Bên cạnh đó, hàm lượng histamine 400ppm (chất gây ngứa) cũng đã làm khó nước mắm truyền thống, bởi nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng histamine cũng sẽ càng tăng.
Ông Trần Hữu Hiền, cho rằng “Con số về hàm lượng histamine 400ppm là không có ý nghĩa, bởi nước mắm là gia vị chứ không phải thực phẩm chính nên lượng sử dụng trong 1 ngày quá ít để gây tác hại không tốt”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng kiến nghị, cần xây dựng lại tiêu chuẩn histamine phù hợp để nước mắm Việt Nam có cơ hội phát triển ra thế giới.
Có thể bạn quan tâm: