Nước cờ ngàn tỉ của nhóm công ty Quang Dũng
Sau khi công bố ý định thôn tính công ty chuyên sản xuất nước chấm Cholimex Food thì mới đây, gã khổng lồ Masan lại tiếp tục gây bất ngờ khi tỏ ý muốn mua lại 100% vốn của một công ty thực phẩm khác trên thị trường. Lần này là Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food).
Việc một doanh nghiệp trở nên hợp với “khẩu vị” đầu tư của Masan không phải là chuyện đơn giản. Saigon Nutri Food là doanh nghiệp như thế nào mà khiến Masan phải để mắt đến? Muốn trả lời cho câu hỏi này, cần phải tìm hiểu được câu chuyện đầy bí ẩn về một nhóm công ty tư nhân thuộc dạng lớn của Việt Nam. Ðó là những mô hình kinh doanh vừa mang tính truyền thống đặc trưng của phương Đông, vừa mang nét hiện đại của phương Tây với tổng doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, thuộc nhóm công ty Quang Dũng của ông Lý Anh Dũng.
Triết lý của Quang Dũng
Đối với giới truyền thông và công chúng, cái tên Lý Anh Dũng dường như còn khá xa lạ. Nhưng đối với những người nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản tại Việt Nam, từ lâu các thương hiệu thức ăn chăn nuôi như GreenFeed, HiGain, AquaGreen hay SuperWhite đã quá đỗi thân thuộc. Ðây đều là những sản phẩm của Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam, thuộc nhóm công ty Quang Dũng được ông Lý Anh Dũng sáng lập vào năm 2003.
Ngày nay, GreenFeed đã trở thành một trong số ít các công ty sản xuất thức ăn nội địa lớn nhất nước, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn nước ngoài. Cụ thể, mức tăng doanh thu trong 3 năm 2011-2013 của GreenFeed lần lượt là 67%, 41% và 16%. Cuối năm 2013, Công ty đạt đến 9.298 tỉ đồng doanh thu và 320 tỉ đồng lợi nhuận ròng (giảm nhẹ so với năm trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng).
Ông Lý Anh Dũng |
Nếu so sánh với một công ty nội địa khác cùng ngành là Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (của Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương), doanh thu và lợi nhuận của GreenFeed cao hơn gấp 2 lần. Một báo cáo do Quỹ DWS Vietnam Fund Limited công bố năm 2013 cho thấy, GreenFeed đang nằm trong nhóm 5 công ty trong và ngoài nước chiếm đến 60% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam và là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nội lớn thứ 2 của Việt Nam. Còn theo đánh giá vào năm 2012 của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, thị phần trong nước của GreenFeed vào khoảng 8%, tức ngang ngửa với Cargill và đứng sau CP, Proconco, New Hope.
Để có được thị phần đáng kể như thế, nhóm công ty Quang Dũng đã xây dựng chuỗi cơ sở vật chất rất quy mô từ nhà máy sản xuất đến hệ thống tiêu thụ. Hiện GreenFeed có tới 4 nhà máy sản xuất ở Việt Nam, 9 cảng để vận chuyển hàng hóa và hơn 1.000 đại lý tiêu thụ trên toàn quốc. Ngoài thị trường Việt Nam, Quang Dũng còn thành lập một nhà máy tại Campuchia, thể hiện tham vọng mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ. Chưa dừng lại ở đó, năm ngoái, GreenFeed đã bắt đầu xây dựng thêm một nhà máy mới ở Hà Nam trị giá 37 triệu USD với mục tiêu giành được 20% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam vào năm 2020, tương ứng với việc sản xuất được 4 triệu tấn sản phẩm/năm.
Chiến lược hợp tác với các đối tác lớn thế giới cũng là bước đi giúp Quang Dũng mở rộng hệ thống kinh doanh một cách nhanh chóng. Sau nhiều năm hợp tác ở dạng đối tác chiến lược, năm 2011, nhóm này đã góp vốn trong liên doanh với Tập đoàn Bunge (Mỹ) để thành lập nhà máy Bunge Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Với công suất sản xuất lên tới 2.500 tấn khô dầu đậu nành/ngày, nhà máy này đủ khả năng cung ứng 30% sản lượng khô dầu đậu nành mà Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm và còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.
Thực tế, đối tác Bunge của Quang Dũng là một tập đoàn kinh doanh nông nghiệp rất lớn trên thế giới, có doanh thu lên tới 61 tỉ USD vào năm 2013. Tại Việt Nam, tập đoàn này được cho là đang nắm tới 40% lượng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Bunge cũng đã mua lại 50% cổ phần ở Cảng Phú Mỹ (Vũng Tàu).
“Như chúng ta đã biết, Việt Nam là nước đông dân. Có thể dùng các con số so sánh để nói về tiềm năng của Việt Nam. Ở Thái Lan, dân số trên 60 triệu người và có 15 triệu tấn thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong năm 2010. Việt Nam có dân số lên đến 86 triệu người mà chỉ có 10 triệu tấn thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong cùng năm. Điều này có nghĩa là thị trường còn rất tiềm năng cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Và sau 7 năm, chúng tôi đã khẳng định được quyết định đầu tư ở Việt Nam là đúng đắn. Trong năm 2010, GreenFeed nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”, ông Lý Anh Dũng phát biểu trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông cách đây vài năm.
Có thể nói, chiến lược khai phá mảng thức ăn chăn nuôi vào thời điểm cách đây 12 năm của Quang Dũng là một bước đi khôn ngoan. Ngành chăn nuôi là một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam với sản phẩm đa dạng từ gia cầm, gia súc cho đến tôm cá. Nhu cầu tiêu thụ và sản xuất xuất thịt heo, thịt các loại gia cầm của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số từ đây đến năm 2017, theo Business Monitor International (BMI). Bên cạnh đó là sự mở rộng của ngành thủy sản để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tương ứng với xu hướng tăng trưởng đó, chắc chắn nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi sẽ là rất lớn. Ví dụ, trong cơ cấu giá bán thịt heo cuối cùng, chi phí thức ăn được cho là chiếm tới 75%. Ðối với con tôm, tỉ lệ này lên đến 80%. Có thể nói, doanh nghiệp nào nắm được đằng chuôi, tức là thức ăn chăn nuôi, sẽ thu được giá trị lớn nhất trong ngành.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi theo báo cáo gần nhất của BMI, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cùng lúc, sức ép cạnh tranh giữa các công ty trong nước với nước ngoài hiện cũng rất gay gắt. Cụ thể, theo BMI, hiện có tới 59 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp và liên doanh hoạt động tại Việt Nam, chiếm đến hơn 50% thị phần thức ăn chăn nuôi. Khoảng 20% phải nhập khẩu và miếng bánh nhỏ còn lại thuộc về 180 doanh nghiệp trong nước.
Hậu quả là trong các năm qua, khoảng 30% các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã phải đóng cửa. Thêm vào đó, làn sóng các công ty nội bị nước ngoài thâu tóm cũng là xu hướng được dự báo sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới. Năm 2013, đã có thông tin cho rằng Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ngỏ lời muốn trở thành cổ đông của GreenFeed. Với tốc độ tăng trưởng tốt, giá trị của GreenFeed từng được định giá lên tới 228 triệu USD vào cuối năm 2013, theo tính toán của DWS Vietnam Fund Limited.
Doanh thu và lợi nhuận của GreenFeed |
Ngoài GreenFeed và Bunge Việt Nam, Quang Dũng còn bao gồm các công ty khác chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quang Dũng, Quang Dũng Miền Bắc và mới đây là Công ty Dầu thực vật Nam Mỹ.
Thế nhưng, tham vọng của nhóm công ty Quang Dũng không chỉ dừng lại ở khâu thức ăn chăn nuôi, mà còn là giấc mơ về một chuỗi giá trị sản xuất khép kính theo mô hình 3F, tức từ thức ăn chăn nuôi (Feed) đến trang trại (Farm) rồi trở thành thực phẩm (Food). 3F cũng chính là mô hình hoàn thiện trong kinh doanh nông nghiệp mà tất cả các tập đoàn hàng đầu như Masan của Việt Nam hay CP của Thái Lan đều mong muốn đạt được.
Nếu như chữ F đầu tiên đã được Quang Dũng thực hiện thành công với GreenFeed và một số công ty có liên quan thì chữ F thứ 2 cũng đã được hoàn thiện thông qua mô hình liên kết với nông dân. Ví dụ như các chương trình cung cấp vốn vay và tư vấn kỹ thuật, hay thành lập các trung tâm khai khác con giống ở Đồng Nai và Cần Thơ. Trong mô hình này, người nông dân được Quang Dũng đặt ở vị trí quan trọng và hỗ trợ theo phương châm “cùng làm giàu, gắn liền với sự phát triển kinh tế của bà con”, qua đó tạo mối dây liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi.
Còn với chữ F cuối cùng, Quang Dũng đã khai sinh Saigon Nutri Food vào năm 2006 với các sản phẩm cơ bản như xúc xích theo công nghệ Nhật, đồ hộp, thịt nguội... Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán VPBank Securities, kể từ khi ra đời, doanh thu của Saigon Nutri Food có mức tăng trưởng bình quân lên đến 61%/năm và đạt đến con số 104 tỉ đồng vào năm 2013. Với mặt hàng thủy sản, nhóm này cũng thành lập Công ty Mekonutri chuyên xuất khẩu các mặt hàng cá tra, cá basa đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc...
Doanh thu của Saigon Nutri Food |
Bên cạnh việc chọn mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị 3F làm chiến lược cốt lõi, để hỗ trợ cho dây chuyền sản xuất cũng như cải thiện doanh thu, Quang Dũng còn thành lập Công ty Dịch vụ Vận tải Quang Dũng để hỗ trợ các doanh nghiệp của riêng mình, đồng thời phục vụ cho nhu cầu của nhiều doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, CP Việt Nam, Cargill hay Uni President Việt Nam. Hiện quy mô của đội xe này bao gồm 40 chiếc xe tải chuyên biệt loại 11 tấn và 32 đầu kéo container, có thể vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng mỗi tháng.
Ðặc biệt, ngoài những mảng kinh doanh truyền thống, nhóm công ty Quang Dũng còn thể hiện tầm nhìn thời đại khi lấn sang mảng công nghệ với việc thành lập Công ty Quang Dũng Công nghệ (QD.TEK). Hiện đơn vị này là nhà phân phối chính thức cho các hãng công nghệ có tiếng trên thế giới như ADC Krone, Aten, Axis Camera. Công ty cũng là nhà phân phối độc quyền bộ giải pháp quản lý doanh nghiệp dựa trên công nghệ điện toán đám mây Microsoft Dynamics tại Việt Nam. Cuối năm 2011, QD.TEK được lựa chọn trở thành nhà tổng phân phối tại khu vực Đông Dương cho General Electric (Mỹ).
Có thể thấy, mô hình kinh doanh của nhóm công ty Quang Dũng là tổng hòa của yếu tố truyền thống, mang lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như nông nghiệp, và tư tưởng kinh doanh hiện đại như xây dựng chuỗi giá trị khép kín cùng công nghệ. Kết hợp với khả năng thu hút được đội ngũ nhân tài trong và ngoài nước, nhóm công ty này đã trở thành một trong những tập đoàn tư nhân đáng chú ý nhất Việt Nam.
Nước đi kế tiếp
Dù vẫn đang ở vị trí khá vững chăc trên thị trường thức ăn chăn nuôi, nhưng sau khi đạt được quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng ở mảng thức ăn chăn nuôi của nhóm công ty Quang Dũng đã chậm lại đáng kể trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng mở rộng quy mô tại Việt Nam, nếu Quang Dũng không tập trung tối đa nguồn lực để đưa mảng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng nhanh trở lại thì mục tiêu chiếm được 20% thị phần vào năm 2020 sẽ khó khả khi.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam 2012 |
Đối với mảng thực phẩm, dù đã có tên tuổi trên thị trường nhưng nếu so với đại gia như Vissan, quy mô của Saigon Nutri Food vẫn rất nhỏ bé. Thậm chí, theo đánh giá của VPBank Securities, từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty đã chậm lại đáng kể, chỉ 5%/năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Masan với kinh nghiệm dày dạn trên thị trường thực phẩm sẽ là một đối tác vô cùng thích hợp để khuếch trương thương hiệu các sản phẩm của Saigon Nutri Food, bên cạnh những mặt hàng sẵn có của Masan như nước chấm, mì gói, thức uống; tạo một nên một “bữa tiệc” đầy đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị.
Chắc chắn, thị trường tiêu thụ thịt tại Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn. Mức tiêu thụ thịt của người Việt được ước tính khoảng 18 tỉ USD/năm, với mức tiêu thụ bình quân trên đầu người còn thấp so với các quốc gia lân cận. Ngoài ra, khi đời sống ngày càng cải thiện, người dân lại càng có khuynh hướng ưa chuộng các sản phẩm sạch và có chất lượng. Hiện quy mô tiêu thụ các sản phẩm thịt qua xử lý ở Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng quy mô tiêu thụ thịt, so với 13% ở Trung Quốc. Đây chính là cơ hội lớn cho các công ty trong ngành nếu biết đầu tư hợp lý. Vì thế, đó cũng là lý do giải thích vì sao Masan đang có kế hoạch chia tay với mảng thức ăn chăn nuôi (thoái khoản đầu tư vào Proconco) để tập trung nguồn lực vào mảng thực phẩm.
Saigon Nutri Food có lợi thế ở chữ F đầu tiên, Masan có lợi thế ở chữ F cuối cùng. Nếu đôi bên có thể trở thành đối tác của nhau, liệu sẽ có doanh nghiệp nào sánh bằng?
Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư