Ảnh: Thiên Ân

 
Tuệ An Thứ Tư | 12/02/2020 07:37

Núi nợ của Hoa Sen trên vai thép Cà Ná

Khó khăn hiện tại của hoa sen phụ thuộc nhiều vào dự án thép Cà Ná.

Tập đoàn Hoa Sen trong 2 năm gần đây đã phải liên tục đối mặt với những khó khăn đến từ giai đoạn mở rộng quá nhanh nhiều năm trước. Việc sử dụng đòn bẩy tỉ lệ cao để đầu tư “siêu dự án” thép Cà Ná và ồ ạt mở rộng hệ thống phân phối đã khiến Hoa Sen rơi vào thế khó.

Từ tấn công sang phòng thủ

Chiến lược sai lầm này đã khiến cho lợi nhuận của Hoa Sen ngày càng sụt giảm với đỉnh điểm là khoản lỗ đậm hơn 100 tỉ đồng vào quý IV/2018 mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhận thấy tình hình kém tích cực, Hoa Sen đã thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh khi tiến hành tái cấu trúc các chi nhánh bán lẻ, nỗ lực cắt giảm chi phí, giảm sự phụ thuộc vào nợ vay và thoái vốn khỏi các dự án trái ngành.

 

Tổng kết niên độ 2018-2019, Hoa Sen đạt 28.034 tỉ đồng doanh thu, giảm 19% và 361 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 12% so với năm trước. Dư nợ ngân hàng bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn gần 9.700 tỉ đồng, giảm gần 4.650 tỉ đồng so với đầu năm. Điều này góp phần làm cho chỉ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 2,78 lần xuống còn 1,77 lần. Dư nợ ngân hàng giảm cũng làm cho cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu của Hoa Sen cải thiện đáng kể từ mức 3,13 lần ở đầu niên độ giảm còn 2,13 lần.

Trong Đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 13.1.2020, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cho biết Hoa Sen sẽ tập trung phòng thủ nhiều hơn tấn công như hơn 20 năm qua, ưu tiên về sự lành mạnh của báo cáo tài chính. Ông Vũ kỳ vọng dư nợ của Tập đoàn đến cuối năm 2020 sẽ còn hơn 8.000 tỉ đồng và đến cuối năm 2021 sẽ còn xấp xỉ trên 6.000 tỉ đồng. Khi đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống còn mức hơn 1. Đến cuối năm 2020, lợi nhuận tối thiểu Hoa Sen khoảng 400 tỉ đồng, tình trạng mất cân đối sẽ chấm dứt.

Ông Vũ cho rằng nếu không có những đòn thuế lên mặt hàng thép, Tập đoàn Hoa Sen đã có thể lãi từ 1.200-1.500 tỉ đồng trong năm 2018 và không phát sinh khoản mất cân đối tài chính 1.700 tỉ đồng. Vị Chủ tịch Hoa Sen tự tin rằng những năm tiếp theo sẽ có lãi trở lại và “không có lý do gì cổ phiếu không tăng trở lại, với điều kiện ông Donald Trump đừng nghĩ ra thêm ý tưởng gì”.

"Siêu dự án" đi về đâu?

Ông Lê Phước Vũ vẫn tin rằng dự án Cà Ná là một mũi nhọn tạo ra đột phá cho Hoa Sen. Ông cũng chia sẻ thêm với cổ đông: “Nếu không mở được Cà Ná, chúng ta phải quay lại ngành tôn, không có con đường khác“. Tuy nhiên, việc tiếp tục đặt niềm tin vào dự án này ở thời điểm hiện tại có thể khiến tình hình tài chính của Hoa Sen càng tiêu cực hơn. Bản chất ngành thép là một ngành mang tính chu kỳ cùng rủi ro cao khi phụ thuộc vào ngành bất động sản, vốn mang tính đầu cơ và nhu cầu thất thường. Trong bối cảnh mảng bất động sản đã dần đạt đỉnh vì nguồn cung dư thừa cùng với các chính sách siết chặt tín dụng, đầu tư vào một dự án thép sẽ là nước đi vô cùng sai lầm của Hoa Sen.

 

Vị trí địa lý của dự án Cà Ná cũng gặp phải nhiều nghi vấn khi nguyên liệu cho nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận lại đến từ mỏ sắt Thạch Kê (Hà Tĩnh). Với khoảng cách xa như vậy, Hoa Sen sẽ phải xây dựng thêm cảng ở Hà Tĩnh để xuất hàng triệu tấn quặng rồi lại nhập vào Ninh Thuận, tạo ra nhiều chi phí vận tải không đáng có. Ninh Thuận lại là một tỉnh có khí hậu rất khô hạn và khắc nghiệt, do đó việc đảm bảo nguồn nước ngọt cho một dự án lớn như vậy cũng là một dấu hỏi lớn.

Ngoài ra, với quy mô lên đến 10 tỉ USD, Hoa Sen rất có thể sẽ tiếp tục sa lầy vào đòn bẩy tài chính và rơi vào vòng xoáy nợ nần. Sức ép chi phí lãi vay và chi phí vận hành sẽ rất lớn, chưa kể đến những rủi ro ngoại sinh liên quan đến tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô. Thép là một ngành chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thuế quan nên những rủi ro này càng cao hơn. Đồng thời, việc dự án tiếp tục bị trì trệ do những vấn đề liên quan đến giấy phép sẽ càng gây khó khăn cho tình hình chung của Hoa Sen.

Không chỉ có vậy, những lo ngại về môi trường cũng là rào cản lớn đối với dự án thép Cà Ná. Chắc chắn không địa phương nào muốn đi vào vết xe đổ của Formosa Hà Tĩnh, cũng như những dự án ngàn tỉ thua lỗ đang chờ giải cứu. Theo ông Phạm Hoàng Ân, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công, tiêu thụ tôn mạ và ống thép đang chậm lại đáng kể trong năm 2019. Làn sóng bảo hộ thương mại toàn cầu và sự chững lại của thị trường bất động sản nội địa khiến các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao như Hoa Sen.

 

Thị trường đầu ra gặp thách thức khiến hầu hết các doanh nghiệp chỉ đang sản xuất ở mức 50% so với công suất, mảng tôn mạ và ống thép sẽ tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt trong năm 2020.

Hoa Sen đã có những động thái quyết liệt và tích cực trước bối cảnh khó khăn chung của ngành như tái cấu trúc hệ thống phân phối nhằm cắt giảm chi phí SG&A (chi phí bán hàng, chi phí hành chính và quản lý doanh nghiệp), cải thiện biên lợi nhuận gộp thông qua việc tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có giá trị gia tăng; cắt giảm việc đầu cơ hàng tồn kho để giảm số dư nợ vay. Hiện nay tình hình của Hoa Sen đã tích cực hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm 2018 nhưng vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để đầu tư và mức định giá hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn