Năm 2022 được xem là thời điểm thăng hoa nhất của ngành cá tra với giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục khi tăng 63% lên mức 2,4 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa

 
Thanh Hương Thứ Ba | 25/07/2023 07:30

“Nữ hoàng cá tra” bơi ngược dòng

Sau giai đoạn thăng hoa cùng ngành cá tra, Vĩnh Hoàn lại rơi vào khó khăn khi chứng kiến doanh thu sụt giảm liên tiếp.

Quý I/2023, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần ở mức 2.222 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực gia tăng chi phí lãi vay đã ảnh hưởng không nhỏ khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 226 tỉ đồng, giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ.

Đảo chiều đột ngột

Doanh thu xuất khẩu của “nữ hoàng cá tra” hạ nhiệt trong bối cảnh xuất khẩu đang đối mặt với những thách thức trong nửa sau năm 2022 do lạm phát dai dẳng và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu. Trước đó, năm 2022 từng ghi nhận thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Vĩnh Hoàn với tổng doanh thu/lợi nhuận ròng tăng mạnh nhờ nhu cầu bị dồn nén sau dịch tại thị trường Mỹ.

 

Năm 2022 được xem là thời điểm thăng hoa nhất của ngành cá tra với giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục khi tăng 63% lên mức 2,4 tỉ USD. Xuất khẩu cá tra thắng lớn giúp cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử ở mức 107.000 đồng. Tuy nhiên, bước vào năm 2023, thị trường diễn biến trái chiều và sụt giảm mạnh. 

Theo ước tính của VNDirect, tổng lợi nhuận ròng quý I của các doanh nghiệp trong ngành giảm 74% so với cùng kỳ. Thị giá VHC giảm 47%, vốn hóa cũng mất đi khoảng 9.300 tỉ đồng so với mức đỉnh. Ngay sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh quý I không mấy hiệu quả, Vĩnh Hoàn còn liên tiếp nhận được đơn từ nhiệm của 3 lãnh đạo cấp cao. Động thái này đã gây không ít lo ngại cho nhiều cổ đông.

Tình thế khó khăn nhưng không thể tránh khỏi của các doanh nghiệp thủy sản. Bởi vì, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều giảm khoảng 13-34%. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm kỷ lục, lần lượt giảm 50% và 26%. VASEP nhận định, khó khăn của ngành thủy sản đến từ suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia...

Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 lớn hơn hoặc bằng doanh thu năm 2022. Ngoài ra, họ đang dự trù lợi nhuận sẽ sụt giảm đáng kể trong năm nay. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đánh giá lợi nhuận gộp sẽ giảm mặc dù giá bán bình quân của sản phẩm có thể duy trì ở mức cao do lạm phát. Lãnh đạo Vĩnh Hoàn nhận định, 2023 là một năm nhiều thách thức với nền kinh tế thế giới, lạm phát và suy thoái kinh tế khiến sức mua yếu trong khi chi phí sản xuất lại tăng. Cá tra, sản phẩm chính của Vĩnh Hoàn, dù được coi là thực phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.

 

Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản tháng 5 tăng cho thấy tín hiệu thị trường có nhiều triển vọng thoát khỏi khủng hoảng. VNDirect dự báo nhu cầu thủy sản của Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao để phục vụ dịp cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục là ẩn số khi dù đã mở cửa sau dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh. Trung Quốc từng là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với dung lượng lên tới khoảng 23 tỉ USD/năm. Vì vậy, cùng với việc thị trường này dỡ bỏ chính sách Zero Covid, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Thủy sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ. Với các mặt hàng thủy hải sản khác như cá biển, tôm, mực, bạch tuộc..., Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ những quốc gia khác”. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý II như những dự báo trước đây.

Xoay xở thoát khó 

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo Vĩnh Hoàn cũng nhận định doanh thu phi lê cá tra sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn 2023-2024. Các thị trường chính của doanh nghiệp tiếp tục là châu Âu và Mỹ, nơi giá cả vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, do chi phí kho lạnh cao và bất ổn kinh tế vĩ mô tại Mỹ, khách hàng của Vĩnh Hoàn vẫn chưa bổ sung đầy đủ hàng tồn kho trong quý I/2023. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động tích trữ tại Mỹ sẽ tiếp tục vào quý IV. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn cũng sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc trong trung hạn, đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tham gia vào việc gia công sản xuất phi lê cá hồi và dự định phát triển thêm các sản phẩm liên quan đến hải sản cao cấp hơn trong dài hạn.

 

Vĩnh Hoàn đang là doanh nghiệp có lợi thế dẫn đầu trong ngành thủy sản với mô hình nuôi trồng bền vững và khép kín. Công ty đầu tư 5 công ty con đều liên quan tới ngành thủy sản gồm sản xuất giống cá tra, thức ăn thủy sản, chiết xuất và sản xuất gelatin, collagen cùng một công ty liên kết trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Công ty còn tham gia góp vốn sản xuất thịt tôm nhân tạo... Trong năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 11.500 tỉ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.000 tỉ đồng, giảm 49,4% so với thực hiện trong năm 2022.

Theo Ban lãnh đạo của Công ty, nhu cầu cá phi lê thấp trên thị trường toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi tăng trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023-2024. Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến đầu tư 1.000 tỉ đồng, bao gồm đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gelatin và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen; bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy chế biến trái cây; bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản Feedone; các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi và các khoản đầu tư mới và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.

Trong đó, việc mở rộng dây chuyền sản xuất của nhà máy collagen và gelatin sẽ được Công ty hoàn thành vào cuối năm 2023, giúp tăng 50% công suất nhóm sản phẩm collagen và gelatin. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn dự kiến đưa vào hoạt động Nhà máy TNG Food, chuyên chế biến sản phẩm trái cây, trong nửa cuối năm nay với mục tiêu doanh thu là 350 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận gộp 15%.

Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Gần đây, Công ty còn mở rộng danh mục sản phẩm giá trị gia tăng đa dạng đáp ứng thị hiếu ẩm thực của người tiêu dùng như 15 dòng sản phẩm cá tẩm bột và tẩm ướp. Song Công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi từ quý IV khi trữ lượng hàng tồn kho giảm dần, đồng thời nhu cầu nhập khẩu cá sẽ được cải thiện khi dịp lễ bên phương Tây đến gần.

Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh: TL

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VDSC dự báo Vĩnh Hoàn vẫn gặp khó khăn do giá bán và sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Mặc dù vậy, lợi nhuận năm 2023 được dự báo vẫn cao hơn mức trước năm 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra. Mảng collagen và gelatin làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.

Có thể bạn quan tâm:

Xuất khẩu rau quả sẽ mang về 5 tỉ USD trong năm nay