NICE có một dàn nhạc giao hưởng của người khuyết tật mang tên Hy Vọng.

 
Văn Khoa Thứ Hai | 08/02/2021 08:00

Nụ cười dành cho NICE

Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng muốn tập hợp các sáng kiến xã hội lại thành một nền tảng để mở rộng sự quan tâm.

 Kết nối trên nền tảng công nghệ

Vừa ra mắt vào cuối năm 2020 nhưng mô hình của NICE (Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng) do nhà báo Đinh Đức Hoàng khởi xướng đã tạo được tiếng vang và nhận được sự ủng hộ từ nhiều nguồn lực vì tính bền vững.

Cốt lõi của các hoạt động, sáng kiến vì cộng đồng vẫn là từ thiện. Tuy nhiên, những dự án này thường đi theo lối mòn phổ biến là ủng hộ tiền, tặng quà, cung cấp các bữa ăn miễn phí, xây nhà, xây trường... Hoạt động này cần thiết, ý nghĩa nhưng chưa đủ bởi các vấn đề của cộng đồng hiện nay ngày càng đa dạng. Thực tế cho thấy, đối tượng thụ hưởng - nhóm người yếu thế - thường hoặc hình thành tâm thế ỷ lại, hoặc vẫn sống với nguyên vẹn sự tổn thương vì định kiến xã hội. Bên cạnh đó, việc thiếu tính kết nối khiến cho những dự án vì cộng đồng kém lan tỏa.

“Trong quá trình hoạt động xã hội, chúng tôi tự đặt cho mình nhiều câu hỏi: Điều gì có thể thúc đẩy phong trào vì cộng đồng? Thứ mà các chương trình vì cộng đồng đang thiếu, có phải chỉ là tiền? Liệu các dự án vì cộng đồng có nên được “tự sinh tự dưỡng” như quy luật thị trường dành cho bất kỳ dự án kinh doanh nào?”, anh Đức Hoàng trăn trở.


Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Thương Thương Handmade, một cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, thiếu máu bẩm sinh, chạy thận, là một ví dụ. Sau nhiều năm vất vả, tìm kiếm việc làm, chị Phương trụ lại với công việc làm đồ handmade vừa phù hợp sức khỏe, vừa có thể giúp đỡ được những cá nhân có hoàn cảnh tương tự. Những món đồ  Thương Thương Handmade dù tinh xảo, đẹp mắt nhưng sau 10 năm vẫn không được biết đến nhiều.

Một câu chuyện điển hình khác đến từ chị Trần Mai Anh (Quỹ Thiện Nhân và những người bạn, tập trung cho một sứ mệnh là phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi bị khuyết tật cơ quan sinh dục). “Khi Mai Anh khởi đầu dự án, thậm chí xã hội còn không nhận thức rằng loại khuyết tật ấy phổ biến đến thế. Cho đến tận nhiều năm sau, chúng tôi vẫn phải giải thích cho các nhà tài trợ rằng có loại khuyết tật như thế, rất phổ biến và rất khốn khó với cuộc đời những đứa trẻ”, chị nói.

Đó cũng là mẫu số chung của rất nhiều dự án cộng đồng hiện nay. Mặc dù xây dựng theo mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng không phải dự án nào cũng được cộng đồng biết đến dù chúng rất ý nghĩa và ở rất gần chúng ta. “Đã có thời, chúng ta gắn chữ “tình thương” vào sau các sản phẩm của người khuyết tật. Những sáng kiến hỗ trợ nhóm yếu thế ra đời liên tục và ngày càng sáng tạo. Họ cần những sự hỗ trợ khác, tinh tế hơn, chuyên biệt hơn”, anh Đức Hoàng khẳng định.

Sau hơn 20 năm phục vụ cộng đồng, các thành viên của Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) hiểu sức mạnh của sự kết nối. Và họ đã quyết định trả lời các câu hỏi này theo cách riêng.

NICE ra đời như một chiếc cầu nối trên nền tảng công nghệ. Hàng chục, hàng trăm sáng kiến khác nhau, sau xét duyệt của Hội đồng Giám tuyển, sẽ xuất hiện trên nền tảng đó. Rất nhiều dạng kết nối có thể được tạo ra. Các nhà tài trợ có thể tìm thấy những dự án xã hội phù hợp với quan niệm của họ, mà họ chưa từng biết. Những tình nguyện viên - các bạn thanh niên, sinh viên, giới trí thức hay bất kỳ ai - có thêm lựa chọn về phương án đóng góp cho cộng đồng. Bản thân các sáng kiến trong mạng lưới cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau bằng kiến thức, bằng nguồn vốn con người hay tài chính. Người đi trước dìu dắt người đi sau.

Thêm những nụ cười

Hội đồng Giám tuyển của NICE là những cái tên quen thuộc, nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động cộng đồng. Có thể kể một vài cái tên như Trần Mai Anh (quỹ Thiện Nhân và những người bạn), nhà báo Hoàng Minh Trí, nhà báo Trần Minh, đạo diễn Việt Tú... hoặc cũng có thể là những người khuyết tật như anh Ngọc Anh mắc bệnh xương thủy tinh vì không ai hiểu rõ và có thể giúp đỡ được người khuyết tật như chính họ.


Đến nay, sau một thời gian ngắn kêu gọi và xét duyệt, NICE đã trở thành nơi tụ hội của 12 sáng kiến. Tại TP.HCM, NICE có một dàn nhạc giao hưởng của người khuyết tật mang tên Hy Vọng. Họ bán vé, gây quỹ cho người khuyết tật. Tại Tây Ninh, NICE có sáng kiến Vì giấc mơ cho các trẻ em phiêu dạt từ Campuchia. Tại Huế, tổ chức CODES đang nghĩ tới việc cho vay vốn phục hồi sinh kế sau bão lũ.

Tại Hà Nội, NICE có những doanh nghiệp xã hội đã đi rất xa. KymViet sử dụng lợi nhuận để xây lên một không gian kết nối để cộng đồng cảm nhận được cuộc sống của người khuyết tật. Salon Thành Nguyễn của người điếc đã nổi tiếng vì tay nghề. Vụn Art sử dụng vải vụn tái chế và lao động yếu thế để tạo ra sản phẩm thủ công tinh xảo.
Còn rất nhiều dự án ý nghĩa như vậy đã được NICE kết nối, từ môi trường đến trẻ em, từ người khuyết tật đến người lành lặn yếu thế như Ecofish, Green River, Tái chế xe đạp cũ cho trẻ em... Tin chắc là con số dự án được xét duyệt và kết nối sẽ không dừng lại ở số 12.

“Chúng tôi hy vọng chương trình nhỏ bé này có thể giúp cho những sáng kiến tiếp cận nhiều cơ hội thành công hơn. Chúng tôi tất nhiên không thể hứa rằng ai tham gia vào NICE cũng thành công. NICE chỉ là nền tảng kết nối, việc quyết định trao cơ hội cho ai vẫn là của xã hội. Nhưng như tôi nói với các đồng sự, nếu sự ra đời của NICE giúp giảm tỉ lệ thất bại của các dự án cộng đồng từ 75% xuống thành 57%, chúng tôi đã có thể nở nụ cười”, anh Đức Hoàng chia sẻ.