Phiên họp ĐHCĐ bất thường củaCông ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) đã kết thúc đúng giờ (hơn 10h sáng) với kết quả đa số (95% cổ đông hiện hữu) thông qua kế hoạch phát hành thêm vốn gây nhiều tranh cãi.
Các cổ đông e ngại những vấn đề sau:
- Lượng tiền thu về hơn 300 tỷ đồng trong cùng một lúc là quá "dồn dập". Vốn chủ sở hữu của NSC tính đến cuối quý 3 cũng chỉ hơn 300 tỷ đồng. Việc bổ sung nguồn vốn như vậy khiến các cổ đông lo lắng về năng lực quản trị không đáp ứng đủ.
- Phát hành cổ phiếu giá cao so với giá trị sổ sách gây khó khăn đối với những cổ đông nhỏ lẻ, những người không đủ năng lực tài chính để "chạy theo" đợt phát hành, buộc phải từ bỏ quyền mua cổ phiếu đáng ra dành cho mình.
- Việc thâu tóm các công ty con, liệu có thực sự cần thiết? Đáng ra, chức năng đầu tư không phải là chức năng của một công ty sản xuất kinh doanh, mà là của các quỹ đầu tư.
- Nỗi lo bị thâu tóm khi các cổ đông từ bỏ quyền mua, dồn cổ phần cho cổ đông khác.
Như vậy, hầu hết những băn khoăn của cổ đông đều xoay quanh việc giá phát hành quá cao.
Trả lời những câu hỏi của các cổ đông, đại diện phía NSC, bà Trần Kim Liên, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết HĐQT đã cân nhắc rất nhiều trước khi đề xuất ý kiến nêu trên.
Bà Liên cho biết, nhiều nhà đầu tư khi đến thăm NSC đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết công ty là 1 trong 200 doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam vì cơ sở vật chất thiếu, điều kiện lao động không đảm bảo. Hiện công ty đòi hỏi thêm 2 nhà máy lớn và hệ thống kho để có thể đảm bảo năng lực kinh doanh. Để đầu tư một phòng thí nghiệm, nhu cầu về vốn không dưới 10 triệu USD. Nói tóm lại, hiện tại NSC thực sự đang rất cần một lượng vốn tương đối lớn.
Bà Liên nhấn mạnh, do thiếu vốn và thiếu các kho dự trữ, NSC đã bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh trong những đợt thiên tai bão lũ vưà qua.
Số tiền thu được, như vậy không chỉ để M&A mà chủ yếu để đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính NSC.
Trả lời ý kiến về việc NSC có thể bị thâu tóm, bà Liên cho rằng đã là công ty đại chúng, việc thay đổi cơ cấu cổ đông không phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo, và buộc phải chấp nhận cuộc chơi, miễn là có lợi cho cổ đông.
Trên thực tế, có thể thấy cổ đông có khả năng lớn nhất từ bỏ quyền mua không phải là cổ đông nhỏ, mà chính là ông lớn SCIC. Nguyên nhân (có thể) SCIC từ bỏ quyền mua, dĩ nhiên không phải vì giá chào bán quá cao. Trước khi phương án phát hành thêm được đưa ra, SCIC nhận được văn bản buộc siêu tổng công ty này phải thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp, trong đó có NSC. [Xem thêm: Ẩn số SCIC trong đợt phát hành thêm của NSC]
Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc họp, một số đại diện cổ đông lớn của NSC cho rằng, việc phản đối của cổ đông nhỏ là chưa hợp lý và chưa thực sự biết nhìn xa. Theo tính toán của cổ đông này, khi chào bán cổ phiếu phát hành thêm với giá cao, cổ đông nhỏ lẻ nếu không mua, họ cũng không chịu thiệt thòi quá nhiều. Cổ phiếu bị pha loãng nhưng tỷ lệ pha loãng không đáng kể. Ngay cả việc bị pha loãng, thì mức giá điều chỉnh cũng đã cao hơn khá nhiều so với mức giá trước đây của NSC.
Hãy xem 1 năm qua, thị giá NSC đã biến động như thế nào!
Tâm lý rụt rè, sợ rủi ro đã dẫn đến những e ngại nói trên của các cổ đông NSC (Và cũng nhấn mạnh lại, của các cổ đông nhỏ lẻ). Thậm chí có cổ đông còn đề nghị NSC phát hành thêm, nhưng theo nhiều đợt, để có thời gian thẩm định hiệu quả phát hành. Hoặc phát hành cổ phiếu song song với trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, những ý kiến nói trên không được đưa ra xin ý kiến tại ĐHCĐ.
Nội dung tờ trình nhanh chóng đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí khá cao, trên 95%. Quan sát trực tiếp tại ĐHCĐ, có khoảng 20 cổ đông nhỏ lẻ không đồng ý với phương án nói trên.
Như vậy nếu không có biến động bất thường, trong thời gian tới, NSC sẽ gọi được một nguồn vốn khổng lồ 328 tỷ đồng để thực hiện những tham vọng thống lĩnh thị trường giống cây trồng cả nước. Cũng tại ĐHCĐ, đại diện NSC cũng đã "hứa" cân nhắc tăng đòn bẩy tài chính trong thời gian tới. Hiện tại, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của NSC chỉ ở mức xung quanh 26%.