Nông sản xuất sang Trung Quốc giảm mạnh
Nhiều mặt hàng gặp khó
|
“Ngành sắn Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đưa sản phẩm sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan..., nhưng những thị trường này lại đòi hỏi khá nghiêm ngặt các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, việc xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng đang gặp phải khó khăn không nhỏ, bởi sự cạnh tranh về giá cả của sắn và sản phẩm từ sắn có xuất xứ từ Thái Lan (nước xuất khẩu sắn lớn nhất thế giới)”, nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết.
Cao su cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm liên tục qua các tháng. Tính đến hết tháng 7.2014, xuất khẩu cao su đã giảm 46,72% so với cùng kỳ năm trước, xuống 289,15 triệu USD.
Theo Bộ Công thương, từ nửa cuối tháng 6 hình thức giao dịch tiểu ngạch đã bị đình chỉ tạm thời do một lệnh cấm của phía Trung Quốc được ban bố. Nếu tính riêng thì trong tháng 5, 6 và 7 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang Trung Quốc đã giảm sút khá rõ rệt. Đáng lo ngại là hiện một số nông sản của VN phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này. Đơn cử Trung Quốc chiếm 40% thị phần xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam; cao su, thanh long, bột sắn cũng chiếm tới 80-90% tổng lượng xuất khẩu.
Phòng ngừa rủi ro
Bộ Công thương cho rằng trong thời gian tới, thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam chủ yếu xuất hàng hóa sang nước này bằng đường tiểu ngạch. Phía Trung Quốc đang muốn tăng cường giám sát hoạt động thương mại tiểu ngạch về nông sản. Rất có thể tới đây, một số cửa khẩu của Trung Quốc sẽ đóng cửa một thời gian, ngừng giao thương nông sản để chấn chỉnh các quy định thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: “Có một số doanh nghiệp (hội viên của Vinafruit) cũng đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường Trung Quốc, bằng cách xuất thêm nhiều loại trái cây tươi mới. Nếu như trước đây chỉ xuất khẩu thanh long, nhưng nay có thêm bưởi, hiệu quả mang lại cao và giảm được rủi ro. Gần đây, tin vui đến từ nhiều thị trường khó tính bắt đầu mở cửa, như thanh long xuất sang New Zealand, xoài sang Hàn Quốc, chôm chôm và vải sang Mỹ...”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù vậy vẫn cần phải đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc vì đó là một thị trường lớn. Nhưng để cân bằng, các doanh nghiệp nội nên tìm kiếm, xúc tiến ở thị trường khác để tránh rủi ro.
Nguồn Thanh Niên