Ảnh: TL

 
Kim Ngân Thứ Hai | 03/02/2020 13:04

Nông sản Việt 'lao đao' vì virus corona

Trong bối cảnh dịch cúm virus corona lan rộng, nhiều mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu... có nguy cơ 'đổ bỏ' vì không có đầu ra.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, các trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) nghỉ hoạt động, giao dịch đến hết 8/2 (rằm tháng giêng) khiến hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Ông Nguyễn Quốc Toản (cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) cho biết, có một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho thành phố Vũ Hán đã hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Toản cho biết, mới đây, doanh nghiệp Hồng Thái Dương của Trung Quốc đã phải hủy nhiều đơn hàng với khoảng 300 container, tương đương 6.000 tấn thanh long của tỉnh Long An. Mặc dù, công ty này đã phải đền hợp đồng khoảng 50 triệu đồng/container, song khoản đền bù này vẫn không đủ để bù đắp thiệt hại cho người dân.

Số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến ngày 31/1, hiện có 267 xe thanh long chưa được làm thủ tục thông quan và ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai.

Theo ông Đỗ Ngọc Chất, CEO Việt Á Agrifood cho biết, hầu hết các đơn vị xuất khẩu Việt Nam, nhất là trái cây, rau quả tươi sang Trung Quốc đều bị thiệt hại vì ách tắc hàng ở cửa khẩu.

Nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn vì Corona. Ảnh: Plo.vn
Nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn vì Corona. Ảnh: Plo.vn

Nói rõ hơn về những thiệt hại, ông Chất phân tích, thanh long tươi nếu 10 ngày nữa vẫn để trong container mà không thông quan giao hàng được thì nó sẽ hỏng, phải đổ bỏ. Trung bình mỗi container thanh long của doanh nghiệp trị giá khoảng 400 triệu đồng. Hiện container đang nằm chờ ở cảng Hải Phòng, không thể giao hàng qua Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nếu trước Tết, thanh long bán tại vườn được hơn 30.000 đồng/kg thì nay hạ giá còn 4.000 - 5.000 đồng/kg vẫn không ai mua. Một số doanh nghiệp mua thanh long với giá cao thời điểm trước Tết để trữ bán dần thì nay rất lo lắng.

Trên thực tế, hàng dội chợ, giá giảm sâu, sức tiêu thụ giảm mạnh cũng là tình trạng chung của nhiều loại trái cây khác hiện nay như sầu riêng, dưa hấu, chanh leo...

Tìm thị trường mới cho nông sản Việt

Theo số liệu của Hiệp hội thanh long, hiện nay trái thanh long được xuất sang tới 15 thị trường, trong đó cả Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, tổng sản lượng chưa bằng 10% xuất vào Trung Quốc. Một phần do tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật các thị trường này rất nghiêm ngặt (phải chiếu xạ, hấp nhiệt); mặt khác chi phí rất cao nên các doanh nghiệp xuất đi với sản lượng rất thấp. 

Hàng trăm container trái cây sang Trung Quốc phải quay đầu vì đóng cửa khẩu. Ảnh: Nld.com.vn
Hàng trăm container trái cây sang Trung Quốc phải quay đầu vì đóng cửa khẩu. Ảnh: Nld.com.vn

Trong khi đó, từ nay cho đến cuối tháng 2, Long An và Tiền Giang sẽ thu hoạch hơn 80.000 tấn thanh long chính vụ. Tuy nhiên, các kho lạnh có khả năng dự trữ, bảo quản mặt hàng thanh long tại phía Nam có công suất chưa lớn và nhiều hạn chế. Cụ thể, tại  Long An có 154 cơ sở sơ chế đóng gói trái cây nhưng hệ thống kho lạnh chỉ đáp ứng được cho nhu cầu dự trữ khoảng 12.000 tấn. 

Theo ông Chất, cách tốt nhất đối với ngành nông sản Việt Nam lúc này là làm sao tăng được sức tiêu thụ của thị trường nội địa lên, giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Đặc biệt, lúc này rất cần các doanh nghiệp lớn có các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ nông sản, nhất là trái cây tươi như sấy khô, nước ép… thu mua giải cứu cho nông dân giảm thiệt hại. “Cách tốt nhất đối với nông sản Việt Nam lúc này là làm sao tăng được sức tiêu thụ của thị trường nội địa lên và tìm thêm thị trường mới”, ông Chất nhấn mạnh.

Nhu cầu cao su Trung Quốc giảm sút do virus corona, Tập đoàn cao su Việt Nam tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới

►Virus Corona ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế toàn cầu?

Nỗi lo về dịch viêm phổi cấp do virus corona tại Việt Nam dưới góc nhìn của báo Nhật