Nóng rẫy cuộc đua giành quyền khai thác sân bay
Những cuộc đua song mã
Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) vừa chính thức gia nhập cuộc đua giành quyền khai thác một phần Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cuối tuần qua, JPA xin được nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của Sân bay Đà Nẵng để làm căn cứ chính phục vụ hoạt động hàng không giá rẻ.
Trước đó một tuần, liên danh 3 nhà đầu tư trong nước là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) - Công ty cổ phần Đầu tư AOV - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) đã đề nghị Bộ GTVT cho phép được trở thành nhà đầu tư xây dựng mới Nhà ga phục vụ các chuyến bay đi và đến Đà Nẵng với công suất 4 triệu hàng khách/năm theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
Do đề xuất đầu tư của Taseco - AOV - Hancorp mới dừng ở mức ý tưởng, nên chưa rõ liên danh này có “va chạm” với đề nghị của JPA hay không. Tuy nhiên, với việc phần diện tích dân dụng tại Sân bay Đà Nẵng là hữu hạn, nên nếu mở rộng nhà ga mới thì nhiều khả năng sẽ lấn về phía nhà ga cũ - nơi JPA đang đề nghị chuyển nhượng.
Trong khi đó, tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T là nhà đầu tư đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào sân bay này. Hai phương án đầu tư vào sân bay Phú Quốc mà T&T đề xuất là: mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Được biết, ngoài T&T còn có ít nhất 2 nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm tới Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó, một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đứt sân bay này.
Trong khi đó, cuộc đua giành quyền khai thác một phần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn chưa ngã ngũ khi cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) và Vietjet Air vẫn bảo lưu quan điểm là chỉ muốn mua toàn bộ quyền khai thác nhà ga T1 (bao bao gồm cả sảnh E).
Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, tại cuộc họp cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng hàng không do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức giữa tuần trước, ý tưởng giao sảnh E cho Vietjet Air khai thác và giao quyền khai thác ga T1 cho Vietnam Airlines hay tiến hành đấu giá quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1 đều không nhận được sự đồng thuận của đại diện hai hãng hàng không.
Một chuyên gia hàng không cho rằng, trong bối cảnh chưa có giải pháp chống độc quyền hiệu quả, thì việc nhà ga T1 rơi vào tay Vietnam Airlines hay Vietjet đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của hãng hàng không còn lại.
Mở rộng xã hội hóa hàng không
Trên thực tế, việc các cuộc đua nóng ngay từ bước xuất phát nhiều khả năng do tâm lý “xếp gạch, giữ chỗ” bởi tính khả thi của những dự án nhượng quyền khai thác các cảng hàng không chỉ rõ hơn sau khi các đề án được hoàn tất.
Cần phải nói thêm rằng, do việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng cảng hàng không dân dụng tại Việt Nam chưa có tiền lệ, nên các cơ quan quản lý nhà nước đang phải “đánh vật” với một loạt vấn đề mới nảy sinh, như phương pháp xác định giá bán, cho thuê, chuyển nhượng khai thác để tổ chức đấu thầu; các thỏa thuận về quyền lợi, trách nhiệm liên quan đến bán, cho thuê, nhượng quyền thông qua hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M)…
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, theo hướng bổ sung quy định về nhượng quyền kinh doanh cảng hàng không, về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng của Bộ GTVT trên nguyên tắc chỉ bán, cho thuê, nhượng quyền khai thác trong phạm vi mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu ACV trong tháng 4/2015 trình Bộ Đề án Cổ phần hóa của Tổng công ty, nghiên cứu lộ trình trước mắt là Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ, sau đó giảm xuống 65% để thu hút nhà đầu tư.
ACV cũng được yêu cầu xây dựng ngay phương án chuyển nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và nhà ga T1 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư; phương án nhượng quyền khai thác sân bay Đà Nẵng (cũ) để phục vụ hàng không giá rẻ; xây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư làm mới, mở rộng một số hạng mục tại các cảng hàng không, sân bay dưới nhiều hình thức đầu tư, như liên doanh, BOT, đối tác công - tư (PPP), mà trọng tâm là các cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh...
“Doanh nghiệp nhà nước khai khác cảng hàng không phải khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam để sớm trình Bộ danh mục các công trình, dự án hàng không kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo phương châm xã hội hóa từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện đầu tư”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.
Nguồn Đầu tư