Nông nghiệp tăng tốc tìm vốn
Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (ngân hàng SCB) đã ký kết hợp tác chiến lược ba bên nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dành cho các hợp tác xã thành viên.
Tín dụng cho nông nghiệp là bài toán nan giải trong nhiều năm qua. Thống kê từ liên minh HTX cho thấy, mới chỉ có 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất, mua máy móc thiết bị, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn.
Sự ngần ngại của hệ thống ngân hàng chủ yếu xuất phát từ sự không chắc chắn về khả năng chi trả của nông dân. “Được mùa thất giá, được giá thất mùa” là căn bệnh trầm kha của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.
Một trong những giải pháp tích cực là tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tham gia mô hình này, nông dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ (bao tiêu đầu ra). Lối thoát của nông dân là cơ hội của ngân hàng, khai thác phân khúc tiềm năng 6,5 triệu xã viên trên cả nước.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, cho biết lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ưu đãi và cạnh tranh hơn so với các gói vay thông thường nhằm hỗ trợ các thành viên hợp tác xã. "Với hơn 6,5 triệu xã viên cùng lợi thế của Việt Nam về nông nghiệp và sức lao động, chúng tôi tin sẽ dễ dàng chuyển thành cơ hội kinh doanh tốt. Chúng tôi mong muốn trong 2-3 năm nữa đây sẽ là mảng kinh doanh quan trọng của SCB.”
Bên cạnh đó, Ngân hàng SCB còn ký biên bản ghi nhớ mở đầu cho chương trình hợp tác quan trọng giữa Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan (Agribank Đài Loan) và SCB về chủ trương hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực như tín dụng, tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, đào tạo nhân sự…
Trong thời gian tới, sau khi Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan được phép mở chi nhánh kinh doanh tài chính quốc tế (OBU), đôi bên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nhân Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Ông Wu Ming Ming, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan, cho biết Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan. Theo đánh giá của ông, chính quyền Việt Nam hiện đang tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp nên việc Agribank Đài Loan hợp tác với SCB sẽ có nhiều thuận lợi.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc ngân hàng SCB, cho biết đối tác Đài Loan sẽ hỗ trợ vốn cho SCB để triển khai chương trình tín dụng có lãi suất ưu đãi dành cho xã viên tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với lãi suất bình quân trong khoảng 5-7%/năm. Đối với các khoản vay phục vụ sản xuất, chu kỳ tối đa là 6 tháng. Còn với những khoản vay đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, ngân hàng sẽ căn cứ vào thời gian khấu hao và nhu cầu của xã viên để xác lập thời hạn cho vay thích hợp.
Ngoài các tổ chức tín dụng, Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Sunny World và Công ty CP Green Consulting đã ký kết hợp đồng chiến lược về thu hút nguồn vốn và đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam. Sunny World là một công ty tại TP.HCM có những dự án về bất động sản, hạ tầng lớn và có mối quan hệ quốc tế rất rộng, đóng vai trò kết nối, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp.
Được biết Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ là đơn vị sáng lập và điều phối mô hình Chuỗi giá trị Rau củ quả hội nhập thị trường quốc tế, hiện chủ trì hai công trình nghiên cứu phát triển ngành rau củ quả và ngành logistics phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Trong khi đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các hợp tác xã thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, thành lập từ năm 1993. Hiện Liên minh Hợp tác xã đã liên kết được mạng lưới hơn 20.000 hợp tác xã thành viên ở khắp 63 tỉnh thành cả nước, chịu trách nhiệm hỗ trợ các hợp tác xã thành viên trong mọi hoạt động gồm kết nối xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, cập nhật thông tin, kiến thức, chuyển giao công nghệ…