Thứ Ba | 28/07/2015 07:30

Nông nghiệp: Niềm hy vọng của các đại gia

Cơ hội trong ngành nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, cuộc chơi ở lĩnh vực này cũng không dễ dàng chút nào.

Những ngày đầu tháng 7.2015, giới kinh doanh thực phẩm loan tin đồn Ba Huân, một doanh nghiệp tư nhân cung cấp sản phẩm trứng gia cầm tại TPHCM, được Masan Consumer mua lại. Dù ban lãnh đạo Ba Huân lên tiếng xác nhận thông tin trên không chính xác, nhưng với người hiểu chuyện, việc Ba Huân nằm trong “tầm ngắm” của Masan không có gì là bất ngờ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, Masan Consumer đã liên tục thực hiện các cuộc thâu tóm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, để hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm trên bàn ăn). Hiện tại, công ty này đã nắm trong tay mô hình 3F của sản phẩm thịt heo.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM vào tháng 3.2015, ông Lee Hae Sun, Tổng Giám đốc Công ty CJ CheilJadang Corporation (Hàn Quốc), cho biết CJ rất quan tâm đến công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước tại TP.HCM và muốn được tham gia vào quá trình này. Cụ thể đặt trọng tâm là Công ty Vissan.

Masan và CJ chỉ là hai trong nhiều trường hợp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam thời gian gần đây. Bên cạnh đó, còn một loạt tên tuổi khác cũng đang mạnh dạn rót vốn vào ngành này, như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, TH Milk, SSI hay F.I.T.

Lấy "phần nạc" thông qua M&A

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Quan sát diễn biến trên thị trường cho thấy, những lĩnh vực nông nghiệp đang thu hút nhà đầu tư và diễn ra nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là thủy sản, chăn nuôi, mía đường, cũng như lĩnh vực sản xuất giống, vật tư kỹ thuật nông nghiệp. Những ngành này đều có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và lợi nhuận biên tốt. Đặc biệt, quy mô vốn hóa ngành thủy sản trên thị trường chứng khoán là khá lớn với những tên tuổi như Minh Phú, Hùng Vương hay Vĩnh Hoàn. Điều này cũng giải thích vì sao các doanh nghiệp cá tra và tôm là nhóm diễn ra nhiều thương vụ M&A nhất trong những năm vừa qua.

Nếu xét về vĩ mô, cũng có thể thấy rõ 10 năm qua, thủy sản là ngành đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản toàn ngành đạt 7,84 tỉ USD, tăng 16,7% so với năm 2013, chủ yếu đến từ hai sản phẩm tôm và cá tra.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực chăn nuôi (bao gồm chăn nuôi gia súc và gia cầm), giá trị của ngành đã lên tới 18 tỉ USD và đang tăng trưởng không ngừng khi nhu cầu và mức sống của người Việt ngày càng cao.

Chính chiến lược kinh doanh bằng việc nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã cho thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực chăn nuôi. Dù chỉ mới gia nhập lĩnh vực nuôi bò vào giữa năm 2014, nhưng doanh thu từ bò thịt giai đoạn 2015-2016 mà Hoàng Anh Gia Lai đặt ra dự kiến sẽ đạt trên 3.000 tỉ đồng và 6.000 tỉ đồng.

Sức hút của ngành chăn nuôi Việt Nam còn có thể thấy rõ hơn ở mảng thức ăn chăn nuôi, một thành phần quan trọng của chuỗi chăn nuôi khép kín. Theo tính toán của các chuyên gia, quy mô của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi có giá trị khoảng 6 tỉ USD. Điều này cũng giải thích vì sao ngành này được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tương tự lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, lĩnh vực sản xuất giống, vật tư kỹ thuật nông nghiệp cũng được một số nhà đầu tư quan tâm. Giống cây trồng là lĩnh vực sản xuất và cung cấp tư liệu sản xuất chủ yếu, có vai trò quyết định trong việc tái cấu trúc ngành trồng trọt theo hướng gia tăng giá trị tích lũy trên một đơn vị sản phẩm. Mảng này không chỉ cung cấp tư liệu cho ngành sản xuất lúa, cà phê, hồ tiêu, hạt điều mà còn nhiều sản phẩm hoa màu, trồng trọt khác... Vì vậy, với quy mô thị trường ngày càng được mở rộng, cơ hội cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giống cây trồng cũng ngày một lớn hơn.

M&A: Công cụ quyền lực để phát triển nông nghiệp

Nhìn lại lịch sử ngành nông nghiệp những năm qua, M&A chính là một trong những công cụ được các doanh nghiệp chọn lựa để thực thiện mục tiêu tăng trưởng đột phá khi bước vào ngành này.

Có thể thấy, Masan Consumer khá trung thành với chiến lược này. Qua M&A, họ đã thâu tóm 70% vốn Công ty Anco và 52% Công ty Proconco, nắm trong tay ngay lập tức gần 15% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trong khi đó, vì xác định sẽ tự đầu tư, Tập đoàn Hòa Phát chỉ đặt mục tiêu sau 10 năm là 10% thị phần.

Câu chuyện tăng trưởng nhanh trong nông nghiệp bằng M&A đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp khác. Từ một doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, Hùng Vương đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành như Việt Thắng, An Giang, Thực phẩm Sao Ta, Lâm thủy sản Bến Tre. Chiến lược này giúp Công ty tăng doanh thu từ 4.700 đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỉ đồng vào năm 2014.

Giống như Hùng Vương, Công ty Pan Pacific cũng đã trở thành một tên tuổi chuyên đi thâu tóm các công ty nông nghiệp gần đây. Hiện tại, Pan Pacific nắm 51% Công ty Thủy sản Bến Tre, hơn 57% Công ty Giống cây trồng Trung ương, trên 25% Công ty Thực phẩm Long An.

Điểm khác biệt trong M&A ngành nông nghiệp, qua quan sát các thương vụ đã diễn ra cho thấy, những “kẻ đi săn” thường mua lại các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị để tạo nên một chu trình khép kín. Masan Consumer mua thức ăn chăn nuôi và sắp tới có thể là trứng, gia cầm nhằm mục đích hoàn thiện quy trình 3F. Hùng Vương cũng hoàn thiện chuỗi quy trình kinh doanh thủy sản gồm “con giống - thức ăn - vùng nuôi - chế biến xuất khẩu” sau khi M&A. Tương tự, Pan Pacific mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực giống, thu mua, trồng trọt để tạo nên chuỗi giá trị khép kín trong lĩnh vực trồng trọt.

Vì sao các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp thường đi theo chiến lược M&A? “Cơ hội trong ngành nông nghiệp rất lớn khi vấn đề an toàn và an ninh lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những công ty có khả năng tích hợp chuỗi giá trị trong nông nhiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tập trung vào chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận tốt về sau”, ông Michael Rosen, Tổng Giám đốc PAN Pacific, giải thích.

Kết quả cho thấy, tất cả những công ty đi mua và được mua trong các nhóm ngành thuộc nông nghiệp nêu trên đều đang nằm trong danh sách “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (TOP50) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư khảo sát qua nhiều năm, dựa trên các con số tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận (xem bảng phân tích các chỉ số hiệu quả kinh doanh của các công ty).

Bên cạnh nạc là xương

Rõ ràng, cơ hội trong ngành nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, cuộc chơi ở lĩnh vực này cũng không dễ dàng.Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Pan Pacific, cho biết có rất nhiều thách thức trong việc phát triển một doanh nghiệp nông nghiệp, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, công nghệ đóng gói cho đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tất cả đều phải được xử lý tỉ mỉ hằng ngày. Một thách thức lớn khác là nguồn cung ứng nguyên liệu ở ngành này bị rải rác, trong khi doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu ra ổn định.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng của việc đầu tư vào nông nghiệp (đặc biệt với quy mô lớn) lại liên quan đến khả năng tích tụ đất đai. Điều này đòi hỏi vốn lớn, trong khi khả năng thu hồi chậm. Đây cũng là lý do vì sao những doanh nghiệp Việt bước vào lĩnh vực này thời gian qua đều là những ông lớn trường vốn.

Nguồn vốn cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi M&A. Hòa Phát đặt mục tiêu 10% thị phần thức ăn chăn nuôi sau 10 năm, với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8.000-10.000 tỉ đồng. Và mặc dù không công bố giá trị thương vụ, nhưng chắc chắn con số mà Masan Consumer bỏ ra để sở hữu 52% Proconco và 70% Anco cũng không hề ít, nhất là khi là phải “chồng tiền một lần”.

Bên cạnh việc phải đảm bảo có nguồn vốn lớn, thực tế cho thấy, không phải cuộc M&A nào trong lĩnh vực này cũng xuôi chèo mát mái. Ðặc biệt khi kẻ đi mua lại là những doanh nghiệp ngoài ngành, chưa có kinh nghiệm. Trường hợp của Nguyễn Kim là một ví dụ.

Bằng việc đầu tư tài chính, ông Nguyễn Văn Kim (chủ chuỗi siêu thị Nguyễn Kim) đã góp vốn và ngồi vào hội đồng quản trị một số công ty lương thực khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa. Danh mục các công ty lương thực “dưới trướng” Nguyễn Kim có thể kể đến là Docimexco, Angimex, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương Thực.

Các công ty được Nguyễn Kim mua đều là những công ty lớn trong ngành lương thực. Tuy nhiên, sau thời gian ăn nên làm ra, nhất là giai đoạn trước năm 2012, hiệu quả kinh doanh của những công ty mà Nguyễn Kim tham gia đầu tư bắt đầu có sự giảm sút.

Đáng chú ý nhất là Docimexco. Công ty mà Nguyễn Kim nắm cổ phần chi phối này hiện đang lỗ nặng do việc đầu tư vào một số lĩnh vực như thủy sản và vật tư nông nghiệp. Năm 2013, Docimexco lỗ tới 138 tỉ đồng và đã bị buộc hủy niêm yết từ 15.5.2014.

Trong khi đó, Công ty Angimex cũng chịu cảnh lợi nhuận sau thuế liên tục giảm trong năm 2012 và 2013, với mức 30% và 38%. Ðến năm 2014, công ty này lãi chưa đến chục tỉ đồng. Còn Công ty Thực phẩm Vĩnh Long thì cũng duy trì tình trạng lỗ từ năm 2013 cho đến năm 2014.

Việt Dũng