Nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% vốn FDI vào Việt Nam
Dù là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng dòng vốn FDI vào nông nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành và chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho biết, tính đến tháng 9/2016, cả nước đã thu hút được 518 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,54 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp mới chỉ chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực trong năm nay. Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp khoảng 6,7 triệu USD/dự án.
Những năm qua, vốn FDI vào nông nghiệp cũng chỉ chiếm tỷ trọng thấp. Năm 2012 là 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%. Năm 2014 chiếm 0,5%, đến năm 2015 chiếm 1%.
Ngoài ra, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn ít. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.
Theo cơ quan này, thời gian vừa qua, một số các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất quan tâm đến các dự án nông nghiệp tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chuẩn bị những dự án để hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế dự án mà hai bên có thể tiến tới cùng đầu tư kinh doanh còn chưa nhiều.
Với việc tham gia một loại các FTAs, đặc biệt là TPP, ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường các nước thành viên ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, để vào được các thị trường này đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Ngoài ra, TPP cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển.
Tính đến ngày 20/9, cả nước có 1.820 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, cũng có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ.
Nhật Duy