Nông nghiệp kiểu Mỹ ở Việt Nam
Một nền nông nghiệp hữu cơ, sản xuất thực phẩm sạch cho gần 95 triệu dân trong nước và xuất khẩu ra thế giới, yêu cầu Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp những thách thức rất lớn, song cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Những chuyến ngoại giao kinh doanh trong nhiều năm đã giúp Alexander Nguyễn, Tổng Giám đốc của Alex’s, một công ty cung cấp dinh dưỡng hữu cơ cho động vật và sản xuất nông nghiệp, nắm bắt rất nhanh xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam để triển khai các kế hoạch kinh doanh mới. Vị doanh nhân này kỳ vọng sau Tết Nguyên đán 2018 sẽ nhận được giấy phép mở văn phòng đại điện tại Việt Nam.
Hữu cơ sẽ tăng nhanh hơn
Theo ghi nhận của Công ty Kantar World Panel, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là 3 thị trường nông nghiệp hữu cơ phát triển nhất, trong đó Mỹ chiếm gần 50% doanh thu sản phẩm hữu cơ toàn cầu. Với 30 dòng sản phẩm dinh dưỡng cho nông nghiệp hữu cơ, Công ty Alex’s có trụ sở ở California và nhà máy chế biến ở Florida (Mỹ) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và dành ưu tiên cho măng tây, một sản phẩm thực phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hiện Alex’s đã trồng 15.000ha măng tây ở Mexico và bán trực tiếp cho hệ thống siêu thị của Mỹ.
Tại Việt Nam, Alex’s kết hợp với một số doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm hữu cơ từ 2 năm qua. Kinh nghiệm triển khai dự án trồng cam và bưởi theo tiêu chuẩn GAP trên 70ha ở Bình Phước, hay trồng măng tây trên 10ha ở ngoại thành Hà Nội, hoặc tiến hành các bước để trồng 100ha sơ-ri ở ngoại thành Hà Nội, giúp ông tin tưởng vào hướng đi của mình, đó là hợp tác cùng nông dân để triển khai các dự án hữu cơ. Người dân góp đất và sức lao động, còn doanh nghiệp cung cấp công nghệ, giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp tạm ứng một số tiền nhất định để người dân sinh sống.
Không tiết lộ tổng mức đầu tư vào Việt Nam, nhưng ông Alexander nói sẽ sản xuất sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ. Ông cũng không nói nhiều về những thành công trên đất Mỹ. Ông muốn về Việt Nam để xắn tay lên làm nông nghiệp hữu cơ.
Thế nhưng, đầu tư về Việt Nam của Alex’s không phải muốn là được. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên thực tế, sản phẩm của Alex’s đang bán trên thị trường đều có chứng nhận của các tổ chức của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khi đăng ký sản phẩm theo Nghị định 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông đã gặp không ít khó khăn do có nhiều thủ tục và cách làm việc nhiêu khê. Chưa hết, tại các tỉnh, ông thường gặp trở ngại khi làm việc với các cấp dưới, nhất là nơi doanh nghiệp phải trực tiếp đến làm thủ tục, dù lãnh đạo các tỉnh đều trải thảm đỏ đón đầu tư.
“Tôi đếm trên giấy của tôi có tới 10 con dấu dù nghe người ta nói nhiều đến hệ thống “một cửa” đã được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam”, ông cho biết.
Kinh nghiệm nhiều năm làm nông nghiệp hữu cơ tại Mỹ giúp Alexander Nguyễn nhận ra tại Việt Nam đang có 2 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính, của doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất sản phẩm xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tại các thành phố lớn. Nhóm hộ nông dân sản xuất theo hệ thống phục vụ cho lượng tiêu dùng nhỏ trong nước.
“Đang có những tồn tại, cần sớm khắc phục để rộng đường cho nông nghiệp hữu cơ phát triển”, ông Alexander nhận xét. Theo ông, Việt Nam đang thiếu hạ tầng, thiếu cơ sở nghiên cứu hiện đại và cơ chế đãi ngộ cho những phát minh mới. Các dòng sản phẩm hữu cơ hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng nghiên cứu và phương thức sản xuất của nước ngoài, chưa tính đến sự phù hợp về điều kiện, thổ nhưỡng của Việt Nam. Hiện số doanh nghiệp có chứng nhận quốc tế về sản phẩm hữu cơ còn quá ít trong khi Việt Nam chưa có hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, chưa tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng.
Thêm nữa, hầu hết nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, nhưng thị trường lại chưa ổn định. Lách luật, một số doanh nghiệp trong nước làm nông nghiệp hữu cơ đã không tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ. Họ dùng vôi để xử lý bệnh cho cây, thay vì tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng 100% phân vi sinh hữu cơ, thuốc xịt hữu cơ. Không ít doanh nghiệp lỗ lớn, thậm chí phá sản, khi các nhà nhập khẩu xét nghiệm, phát hiện vôi và trả lại toàn bộ hàng.
Đừng trách nông dân
Rời Việt Nam đến Mỹ từ năm 1979, nhưng phải 5 năm sau, ông Alexander mới tiếp cận được với nền nông nghiệp của đất nước xứ cờ hoa. Thấu hiểu những khó khăn khi bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ, ông nói “đừng trách nông dân không mặn mà”, nhất là khi thị trường nông nghiệp vẫn tồn tại cơ chế thương lái thay cho hợp tác xã, đại diện cho nông dân bán hàng. Một cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp chưa chuẩn, nông sản thiếu đầu ra, cảnh “được mùa, rớt giá” tái diễn nhưng không được xử lý rốt ráo. Thương lái trong và ngoài nước đang chèn ép nông dân và hạn chế khả năng tiếp cận đến công ty đầu mối, hãng cung cấp sản phẩm lớn. Đã có thời gian nông dân phải bỏ thanh long cho heo ăn trong khi một trái thanh long tại Mỹ có giá 5USD.
Không thể so sánh điều kiện làm nông nghiệp tại Mỹ với Việt Nam, nhưng vị doanh nhân này cho rằng, Việt Nam đang thiếu một đầu mối cụ thể về nông nghiệp hữu cơ và cơ quan chuyên trách chưa làm tròn vai trò dẫn đầu khi nắm trong tay hệ thống khuyến nông. Họ thiếu nhân lực có đủ năng lực để huấn luyện và triển khai các chương trình khuyến nông liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó, hầu hết nông dân chưa biết làm nông nghiệp hữu cơ, họ cần cán bộ khuyến nông chuyển hóa các phương thức sản xuất bằng ngôn ngữ rõ ràng để có thể làm theo.
Việt Nam hiện đứng thứ 56 trong các nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa phát triển. Đến nay, các doanh nghiệp làm hữu cơ đã bắt đầu vận hành nhưng giá thành sản phẩm hữu cơ vẫn rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người Việt Nam. Ông cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam cần làm là sớm có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lớn. Việc sản xuất lớn sẽ giúp giảm giá thành nhanh hơn sản xuất đơn lẻ như hiện nay. Mặt khác, khi thị trường phát triển lớn hơn, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh bằng chất lượng và chỉ khi đó, người tiêu dùng mới được hưởng lợi.
Theo khảo sát năm 2017 của Viện Nghiên cứu và Truyền thông nông nghiệp hữu cơ (FiBL), từ năm 2007-2015, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ tại Việt Nam đã tăng từ 12.120ha lên 76.666ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt trên 36 tỉ USD. Ông Alexander Nguyễn kỳ vọng sẽ phát triển vào những năm tới nhờ sự hiện diện của các sản phẩm nội địa và nhập khẩu cũng như việc Chính phủ ban hành nghị định về nông nghiệp hữu cơ.