Nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ đã mở cửa phục vụ khách hàng chuộng thực phẩm sạch.
Nông nghiệp hữu cơ và cuộc chơi đốt tiền
Chị Phạm Ngọc Hạnh thường xuyên mua thực phẩm tại quán cà phê Regina trên đường Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM mặc dù nơi đây bán với giá cao hơn thị trường lên đến 25%.
Đã từ lâu, gia đình chị chuyển sang dùng thực phẩm organic để bảo vệ sức khỏe. Khác với phần lớn quán cà phê khác, quán Regina của Công ty Vinamit luôn đông khách và đa phần là các bà nội trợ. Như chị Hạnh, họ đến đó không phải để uống cà phê mà để mua đồ ăn sáng, rau, trứng, thịt organic do trang trại công ty này cung cấp.
Tác động môi trường, dịch bệnh... đã đẩy cao nhu cầu mua thực phẩm organic và thực phẩm thuần tự nhiên với mức tăng 9,5% trên toàn cầu, khiến thị trường này có giá trị ước tính khoảng 252 tỉ USD và dự đoán tăng đến 300 tỉ USD, theo báo cáo được đăng trên Reseach Gate.
Một báo cáo khác của Nielsen cũng nhận định tiềm năng của thị trường thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam đang ở mức cao. Sức khỏe và công việc tiếp tục là các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó 44% người được khảo sát cho biết sức khỏe là điều họ quan tâm nhất, hãng nghiên cứu này nhận định.
Nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ đã mở cửa phục vụ khách hàng chuộng thực phẩm sạch. Cửa hàng hữu cơ đầu tiên Organica được mở vào năm 2012, sau đó một số cửa hàng khác ra đời như Orfarm, Organic Food, Cầu Đất Farm, Đà Lạt GAP Store... Bên cạnh đó là một số siêu thị cũng kết hợp bán sản phẩm hữu cơ từ rau, củ, quả, gạo đến các gia vị tiêu, cà phê, sữa, thịt, trứng hữu cơ.
Giấc mơ organic
Con đường làm nông nghiệp hữu cơ của ông Nguyễn Lâm Viên, CEO của Vinamit, bắt đầu cách đây 30 năm. Để có được nông trại rau củ quả hơn 150 ha ở Bình Dương như hôm nay, ông Viên đã phải qua cả một hành trình dài đầy tốn kém.
“Trong một lần tham gia hội chợ ở Mỹ, nhiều đối tác nước ngoài nói với tôi rằng muốn có hiệu quả kinh tế cao, Việt Nam nên tập trung làm sản phẩm organic”, ông Viên nhớ lại.
Mãi đến năm 2016, khi có giấy chứng nhận canh tác - chế biến nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU), Vinamit đã có đơn hàng 30 tấn/tháng.
Với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng diện tích canh tác sản phẩm organic. Công ty Vinamit đang xúc tiến mở rộng thêm trang trại hữu cơ tại Khánh Hòa và Hà Nội vì những điểm bán tại các siêu thị, cửa hàng khá ổn định bên cạnh kênh online phát triển mạnh. Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ: “Ngoài việc kích cầu thông qua các chương trình khuyến mãi, Vinamit đang xây dựng cộng đồng người tiêu dùng hiểu và sử dụng sản phẩm hữu cơ đúng cách để khỏe hơn, đẹp hơn”.
Trong khi đó, Organica, sau cửa hàng đầu tiên, đã phát triển hệ thống 8 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng kinh doanh gần 1.000 mặt hàng từ rau quả tươi, thực phẩm chế biến, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình... có chứng nhận hữu cơ quốc tế. Bên cạnh đó, ngoài diện tích tự đầu tư, Organica cũng đang tích cực liên kết và hỗ trợ nông dân ở nhiều địa phương chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, phát triển theo ngách organic, sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả. Nông sản hữu cơ đã qua chế biến, giá trị sẽ tăng ít nhất 50% so với sản phẩm bình thường.
Theo số liệu gần nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 46/63 tỉnh, thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, với khoảng 97 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Con đường không trải hoa hồng
Tuy nhiên, làm nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng. Là một trong những công ty đi tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food từng muốn dừng cuộc chơi vì... hết tiền. Con đường làm nông nghiệp hữu cơ đã bắt đầu được ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, thực hiện từ năm 2009 nhưng suốt khoảng thời gian dài sau đó, ông gần như cô độc một mình.
Năm 2016, ông từng muốn bán lại trang trại trồng hữu cơ 320 ha tại rừng U Minh (Cà Mau) vì đã đổ cả triệu USD vào trang trại, mặc dù sản phẩm gạo Hoa Sữa của công ty này cũng được xuất khẩu qua châu Âu, Nhật... nhưng ông vẫn bất lực vì thiếu vốn.
Nguồn vốn của Viễn Phú đã đổ hết vào đầu tư hạ tầng và phát triển nông trại nhưng ở thời điểm năm 2016, Nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp như Viễn Phú nên ông muốn bỏ cuộc.
Cũng tham gia trồng lúa hữu cơ từ năm 2015 Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đã bỏ ra 400 tỉ đồng mua 800 ha đất và cải tạo trồng lúa hữu cơ. Yêu cầu quan trọng nhất khi sản xuất organic là ruộng đất sạch, đủ dinh dưỡng, nguồn nhân lực hiểu và làm đúng quy trình chăm sóc cây. Công ty phải phơi đất 3-5 năm mới bắt đầu tiến hành làm đất trồng cây theo hữu cơ.
“Bài học đầu tiên để sản xuất sản phẩm hữu cơ của tôi chính là thiệt hại 500.000 USD vào năm 2016. Tôi từng mất 150 tỉ đồng khi không tìm ra được phương pháp để ức chế vi khuẩn”, ông Nguyễn Lâm Viên của Vinamit nhớ lại.
Chia sẻ tại hội thảo về nông nghiệp hữu cơ, ông Trần Phong Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, cho biết: “Làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013-2020, Hải Âu đã phải tiêu tốn 40 tỉ đồng, mất thêm 30 tỉ đồng nữa để làm thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường và xây dựng hệ thống phân phối”. Con số này, theo ông Trần Phong Lan, vẫn chưa thấm vào đâu. “Con đường của nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng, bởi tạo ra sản phẩm đã vất vả, mà bán cho khách hàng có khi còn khó khăn hơn”, ông Trần Phong Lan nói thêm.
Cũng theo ông Lan, làm hữu cơ là mang lại giá trị, không dễ dàng có lợi nhuận nhanh chóng, nên doanh nghiệp không có tích lũy tốt hay nguồn thu khác để bù đắp thì khó duy trì lâu dài. Công ty Hải Âu cũng phải kinh doanh đa ngành để tiếp tục đốt tiền làm hữu cơ lâu dài. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, một số doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch thất bại do không đủ vốn, làm giữa chừng thì “đuối”, phải bỏ cuộc hoặc chuyển hướng