Tuy nhiên, những ai đến tham dự hội chợ và triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lần thứ 8 vừa kết thúc ngày 21/8 sẽ thấy những mục tiêu trên khá xa vời. Ảnh: TL.
Nông nghiệp công nghệ cao: Tính cao, nhìn thấp
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại nông sản có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20% vào năm 2025 và năm 2030 đạt 30%. Đó là mục tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra trong Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2030.
Tuy nhiên, những ai đến tham dự hội chợ và triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lần thứ 8 vừa kết thúc ngày 21/8 sẽ thấy những mục tiêu trên khá xa vời. Khách tham quan rất khó để tìm thấy công nghệ đột phá hay một sản phẩm được giới thiệu là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đúng nghĩa.
Theo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Trong số này, sẽ có 200 đơn vị là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự tương tác, liên kết sản xuất theo chuỗi.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng và liệu có bao nhiêu doanh nghiệp nhận được chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao?
Mục tiêu đầy tham vọng
Theo bà Phạm Thị Minh Hằng, người lấy bằng Thạc sĩ Khoa học Cây trồng tại Israel và hiện làm quản lý tại Công ty Nông nghiệp công nghệ cao IAI PNG của Israel, nông nghiệp công nghệ cao là phải áp dụng những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và mới nhất như các phương pháp tăng năng suất, phát triển cây trồng trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm chính xác, cân bằng dinh dưỡng cây trồng cũng như áp dụng công nghệ trong quản lý sau thu hoạch.
Cũng theo bà Hằng, nếu dựa trên định nghĩa nói trên và mật độ phổ biến các trang trại áp dụng công nghệ cao thì Việt Nam chưa được tính là nền nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ nhất, về công nghệ áp dụng, ví dụ IoT (internet vạn vật) ở Việt Nam đã có công ty áp dụng nhưng độ phổ biến chưa cao. Trong khi thế giới đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) hay robot để phân loại nông sản thì Việt Nam có thực hiện phân loại bằng máy nhưng chưa phổ biến và chưa áp dụng A.I. Điều này có thể hiểu là do chi phí lao động ở nhiều nước cao nên máy móc, robot là lựa chọn, còn tại Việt Nam, chi phí nhân công thấp trong khi đầu tư máy móc lại cao nên chưa được áp dụng.
Chi phí đầu tư ban đầu cao cũng là lý do khiến Việt Nam hạn chế về nông nghiệp công nghệ cao. Giá bán nông sản của Việt Nam hiện đang thấp nên không đủ bù chi phí. Đơn cử như Công ty IAI PNG, nơi bà Hằng đang làm quản lý, mỗi phẩm nông nghiệp bán ra tính bằng USD nhưng Công ty cũng hạn chế đầu tư mở rộng khi cân nhắc đến tính hiệu quả đầu tư.
Do đó, tại một nước có giá nông sản rẻ như Việt Nam thì việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đôi khi càng đầu tư càng thua lỗ.
Chờ một thế hệ nông dân mới
Vào website của Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao ở một tỉnh phía Nam mới thấy doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có vốn điều lệ 20 tỉ đồng nhưng trong đó có 17 tỉ đồng tương đương 85% vốn điều lệ là nguồn vốn đi vay.
Một công ty khác có tên trong website này, trong danh mục đầu tư chỉ là mô hình trình diễn và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao bằng cách xây dựng nhà màng, nhà sơ chế, nhà sản xuất nấm... để giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với những ai trong nghề có thể hiểu, công ty này đang cần đất để xây dựng một khu triển lãm bán hàng hơn là một hoạt động nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, muốn làm được nông nghiệp công nghệ cao phải tính đến yếu tố thị trường. Còn hiện tại, nông sản Việt Nam chủ yếu bán sang những thị trường không đòi hỏi quá nhiều về các tiêu chí thì khó mà nói hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao được.
Một điều quan trọng nữa là muốn có nông nghiệp công nghệ cao, cần những người được đào tạo bài bản, có kiến thức và có nguồn vốn mạnh chứ không phải đem mọi thứ đặt lên đôi vai của nông dân. Và để làm được điều này cần trông chờ vào thế hệ nông dân mới - những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
Muốn làm được nông nghiệp công nghệ cao phải tính đến yếu tố thị trường. Ảnh: TL |
“Việt Nam đang đi lên nền nông nghiệp công nghệ cao và muốn có một nền nông nghiệp công nghệ cao thì cần phải chờ một thế hệ “nông dân mới”. Không phải tôi chê các cô chú nông dân làm không tốt công việc của mình nhưng thực tế những thế hệ nông dân hiện tại và trước đây vẫn chú trọng vào cách làm nông quá truyền thống, chưa mở lòng với công nghệ mới và khả năng sử dụng công nghệ ở một khía cạnh nào đó còn hạn chế,” bà Minh Hằng nhận định.