Nóng đầu mối nhập xăng dầu
Việc cấp phép cho 4 doanh nghiệp trở thành đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu vào thời điểm rất nhiều doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu đang bị truy thu các khoản thuế rất lớn từ hoạt động tạm nhập tái xuất cho thấy, kinh doanh xăng dầu vẫn có sức hút lớn.
Như vậy, tính đến này, cả nước hiện có 17 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Thực tế này khác hẳn quan điểm của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, khi phản đối quyết định truy thu khoảng 170 tỷ đồng cho các lô hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa do không tái xuất hết trong năm 2012.
Theo Petrolimex, năm 2012, toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn không có lãi, thậm chí lỗ 125 tỷ đồng, do ưu tiên nhiệm vụ bình ổn giá thị trường trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thương mại thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay: “Việc có thêm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu đầu mối là tốt, bởi chúng ta đang hướng tới thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh. Thị trường xăng dầu cạnh tranh theo mong muốn cũng cần 5-10 năm mới hình thành được và phải có thêm nhiều người tham gia”, ông Quyền nói và nhấn mạnh thêm: “Để không có những ông lớn chi phối thị trường thì hoặc là chia nhỏ ông lớn hoặc cho thêm doanh nghiệp khác đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, lịch sử phát triển thị trường xăng dầu ở nhiều nước cho thấy, việc chia nhỏ các ông lớn hiếm khi xảy ra”.
Cũng phải nói thêm, xuất nhập khẩu xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, được quy định rõ tại Điều 7, Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo quy định này, sau khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép, Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp xem có đủ điều kiện để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.
Chính vì vậy, theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro), câu chuyện cần bàn tới trong lĩnh vực kinh doanh này không hẳn là việc nhiều hay ít đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu mà là kiểm soát sau khi đã cấp phép cho các đầu mối xuất nhập khẩu kinh doanh xăng dầu. Ông Sang lo ngại, rất có thể xảy ra tình trạng các đầu mối nhỏ chỉ nhập hàng khi giá thế giới xuống, không chịu nhập hàng khi giá thế giới lên. Hệ lụy là sẽ xảy ra tình trạng khan hàng và rối loạn trên thị trường vốn rất nhạy cảm này.
“Câu chuyện quản lý giá này có liên quan đến việc sửa Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Giá xăng dầu trong nước nên sát với giá thế giới và khoảng cách điều chỉnh là 10 ngày/lần, chứ không phải là 30 ngày/lần như hiện nay. Quy định khoảng cách 30 ngày như hiện nay đang tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp nhỏ lợi dụng, khiến thị trường rối”, ông Sang nhận xét.
Tuy vậy, cũng cần nhắc lại rằng, Petrolimex, vào tháng 6/2012 đã có cú khai thuế sớm ngoạn mục tới 14 ngày, so với thông thường chỉ khai trước 2-3 ngày khi hàng cập cảng. Nhờ khai thuế sớm tới 14 ngày, Petrolimex đã được hưởng lợi 64 tỷ đồng tiền thuế một cách ngoạn mục, bởi chỉ 4 ngày sau khi Petrolimex nộp tờ khai hải quan, thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diesel đã tăng gấp đôi.
(Theo ĐT)