Thứ Hai | 08/04/2013 07:47

Nông dân trồng lúa thu nhập ngày càng thấp

Tổ chức Oxfam phối hợp Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa công bố số liệu điều tra về thu nhập do sản xuất lúa gạo.

Nếu như năm 2006, mặc dù giá gạo còn thấp, song người nông dân vẫn có thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo, thì đến năm 2010, người trồng lúa chỉ thu được có 10%.

Thu nhập của người trồng lúa vẫn còn ở mức thấp và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập của nông hộ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2008, người trồng lúa còn thu được 64% trong cơ cấu thu nhập của mình, thì đến năm 2010, con số này chỉ còn lại là 50%. Đặc biệt, tỷ lệ này còn có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm hộ có quy mô đất khác nhau và thực tế 80% nông hộ có diện tích dưới 5.000m2 đất chỉ thu được 20% thu nhập từ trồng lúa; thậm chí ở nhóm có diện tích lúa thấp, tỷ lệ này chỉ chiếm dưới 10% trong năm 2010.

Các chuyên gia trong nghiên cứu này đã chỉ rõ: Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, nhưng lại chưa góp phần tạo ra nguồn thu nhập chính cho các hộ trồng lúa. Nguyên nhân là do sản xuất lúa ở Việt Nam hiện đang đối mặt với một số trở ngại lớn như: Diện tích lúa còn nhỏ và đang giảm dần do chịu sự cạnh tranh của các cây trồng khác, cùng quá trình công nghiệp, đô thị hóa.

Kết quả điều tra tại thời điểm năm 2011 cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của người trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng, thấp hơn thu nhập từ làm các cây trồng khác.

Mặc dù lợi nhuận thu được thấp, song so sánh chi phí và lợi nhuận trên từng tác nhân trong chuỗi giá trị thì chi phí mà người trồng lúa phải bỏ ra là lớn nhất, chiếm 63% tổng chi phí xuất khẩu gạo (chưa tính đến công lao động), gồm: Vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Trái lại, hầu hết các DN xuất khẩu gạo đều có lãi.

Oxfam là Ủy ban Cứu trợ nạn đói của Oxford thành lập tại Anh năm 1942. Đây là một liên minh quốc tế gồm 15 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 98 quốc gia và cùng làm việc với các đối tác và liên minh khác trên khắp thế giới để tìm giải pháp bền vững cho nghèo đói và bất công.